Nội lực phải mạnh mới tính chuyện vươn xa

Đó là chia sẻ của bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), khi nói đến tham vọng đưa công ty vươn ra toàn cầu và trở thành một trong 50 tập đoàn sữa lớn nhất thế giới trong vòng ba năm tới.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám Đốc Vinamilk, tại siêu nhà máy sữa Việt Nam của Vinamilk. Ảnh: NGUYỄN Á

. PV:Làm việc cho Vinamilk bốn thập niên và là “thuyền trưởng” của Vinamilk đến tận 26 năm, ắt hẳn bà có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với các doanh nghiệp (DN) Việt về cách làm thế nào để vươn tầm ra thế giới?

+ Bà Mai Kiều Liên: Muốn vươn đi thật xa, thực tiễn đã đúc kết cho tôi thấy mình phải trở thành chuyên gia của lĩnh vực đó ở tầm quốc tế. Muốn vậy, kiến thức rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa đã mở toang hết tất cả cánh cửa. Tôi nghĩ chỉ những DN Việt nào có kiến thức, biết vận dụng một cách sáng tạo các tiêu chí phù hợp với mình thì may ra mới có cơ hội. Đó cũng là một trong sáu nguyên tắc văn hóa của Vinamilk mà công ty yêu cầu mỗi cán bộ quản lý của Vinamilk phải tư duy và hành động theo, đó là “tôi là chuyên gia trình độ quốc tế trong lĩnh vực của tôi” trong môi trường làm việc của mình.

. Có phải do quan niệm “trở thành chuyên gia” mà Vinamilk đầu tư ra nước ngoài vẫn còn khá thận trọng?

+ Ngành sữa của Việt Nam còn rất non trẻ trong khi thế giới có hàng trăm năm trước. Vinamilk vừa làm vừa học hỏi, vừa tích lũy để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế. Khi đã đủ điều kiện rồi, Vinamilk mới tính đến chuyện đầu tư ra nước ngoài và phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Chúng tôi đầu tư vào nhà máy sản xuất sữa bột tại New Zealand vì đây là nguồn cung cấp sữa nguyên liệu cho toàn thế giới. Khi đã có nguồn cung ổn định, Vinamilk yên tâm hơn khi thực hiện những kế hoạch lớn trên quy mô toàn cầu. Trong khi đó, việc mua lại Nhà máy Driftwood tại Mỹ lại khẳng định cho thế giới thấy rằng một tập đoàn sữa của Việt Nam đã có mặt tại một cường quốc sản xuất sữa của thế giới với những yêu cầu khắt khe nhất về chất lượng và môi trường cạnh tranh khắc nghiệt. Nếu như văn phòng của Vinamilk ở Ba Lan là một đầu mối và trạm trung chuyển để công ty vươn ra toàn châu Âu trong thời gian tới thì nhà máy sữa tại Campuchia mới khai trương gần đây lại là kết quả của kế hoạch nhiều năm đưa sản phẩm vào thị trường này. Khi người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm của Vinamilk và nhu cầu đủ lớn, chúng tôi mới xây dựng nhà máy.

Trong thời gian tới, Vinamilk vẫn tiếp tục kế hoạch mở rộng ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu và chiến lược mua bán sáp nhập sẽ được chúng tôi sử dụng để tăng tốc phát triển.

. Theo bà, đâu là là yếu tố quan trọng nhất để làm nên Vinamilk của ngày hôm nay?

+ Ở Việt Nam, để chinh phục được người tiêu dùng trong nước là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đơn giản là chúng ta không có kinh nghiệm gì về sản xuất sữa. Tất cả điều kiện để có thể phát triển được ngành sữa từ khí hậu, đầu vào nguyên liệu, đất đai… nếu so với các nước thì mình gần như không có những yếu tố thuận lợi. Muốn vậy, phải có những đặc thù riêng cộng với sự nghiên cứu bằng cách áp dụng công nghệ quốc tế một cách hết sức linh hoạt.

Tôi nhớ khi khôi phục nhà máy sản xuất sữa bột Dielac vào năm 1987 nhưng thật sự trong suốt nhiều năm sau đó chúng tôi vẫn chưa thuyết phục được người tiêu dùng nội địa tìm đến sản phẩm của mình, khi mà sữa bột ngoại nhập với tuổi đời của thương hiệu hàng mấy trăm năm luôn là điều bảo chứng rất tốt cho các bà mẹ Việt. Nhưng tất cả thay đổi khi chúng tôi quyết tâm phải thực hiện cho được mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm. Mọi sản phẩm ra đời của Vinamilk đều dựa trên các nghiên cứu quốc tế nhưng vẫn phù hợp với thể trạng người Việt Nam.

Chẳng hạn đối với dòng sữa bột dành cho trẻ em, khi đưa vào sản xuất, chúng tôi đã có một nghiên cứu cụ thể, khoa học trên 50.000 trẻ em ở ba miền cả nước trong thời gian năm năm. Bằng sự hợp tác nghiên cứu với Viện Dinh dưỡng quốc gia, chúng tôi đã cho ra những sản phẩm phù hợp với trẻ em Việt Nam. Không chỉ hợp khẩu vị mà còn đầy đủ chất dinh dưỡng như bao sản phẩm sữa ngoại nhập khác nhưng giá thành chỉ bằng 50%. Đây chính là sự thuyết phục ý nghĩa nhất, hiệu quả nhất chứ không phải từ những lời nói suông là sẽ cải thiện thể trạng cho trẻ em Việt. Và từ thị phần chưa tới 8%, đến nay dòng sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em của Vinamilk đã đạt mức hơn 40%. Chúng tôi cũng rút ra được điều rất đáng suy ngẫm: Muốn thay đổi một thói quen cần phải có thời gian. Và phải vô cùng bền bỉ, kiên trì, đặc biệt phải nhẫn nại với người tiêu dùng nội địa thì mới có kết quả tốt được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm