Đa dạng sinh học tại TP.HCM - Bài 2

Sáu mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học

Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) Việt Nam năm 2008 đã ghi rằng “ĐDSH là sự đa dạng về nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái”. Cũng như những nước khác, ở Việt Nam, ĐDSH là sự đảm bảo cho cuộc sống của con người. Các nguồn tài nguyên sinh vật có ý nghĩa sống còn đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của nhân loại. Vì vậy, ĐDSH ngày càng được công nhận là tài sản vô giá. 

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết: “Hiện nay trên địa bàn TP.HCM tuy đã có một số tài liệu, công trình nghiên cứu về các loài động vật, thực vật nhưng chưa có một tài liệu nào tổng hợp một cách đầy đủ hiện trạng ĐDSH thuộc các hệ sinh thái tự nhiên như động thực vật hoang dã, sinh cảnh tự nhiên...; và hệ sinh thái nhân tạo như vật nuôi, cây trồng và sinh cảnh đô thị. Đặc biệt, đối với TP.HCM cũng chưa có kế hoạch hành động toàn diện nhằm bảo tồn và bảo vệ sinh cảnh các loài động vật hoang dã có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn”. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch hành động ĐDSH là điều rất cần thiết để TP phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Đây cũng là dịp để các cơ quan ban ngành, các trường, viện, ban quản lý khu bảo tồn... đóng góp ý kiến để hoàn thiện bản kế hoạch trước khi trình UBND TP phê duyệt. 

 Các em học sinh tham gia chương trình truyền thông bảo vệ rừng do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. Ảnh: NGỌC CHÂU

Theo kế hoạch, đến năm 2020, TP.HCM cần thực hiện sáu mục tiêu cụ thể: Bảo tồn, duy trì ĐDSH trên cạn; ở hành lang sông, vùng cửa sông và ven biển; bảo tồn, phát triển ĐDSH nông nghiệp; tài nguyên sinh vật được phát triển và sử dụng bền vững; phát huy vai trò và đóng góp của cộng đồng vào bảo vệ ĐDSH; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về ĐDSH và an toàn sinh học. Song song đó, kế hoạch đã đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả về mặt quản lý, quy hoạch phát triển đô thị, kỹ thuật, xã hội... Chẳng hạn như xây dựng cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ hành lang thực vật dọc theo hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và kênh rạch; có chính sách bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; ban hành quy định về thực hiện lồng ghép nội dung hành động ĐDSH vào dự án phát triển khu đô thị mới, phát triển hành lang giao thông; nghiêm cấm việc khai thác cát trên sông và vùng cửa sông ven biển... 
Phát triển mảng xanh đô thị
Ngoài khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, TP cần dành không gian đất để phát triển công viên rừng đô thị. Ở những khu vực ít mảng xanh, cần tăng cường diện tích thảm cỏ trên vỉa hè. Đây cũng là môi trường cho một số sinh vật tồn tại, góp phần tham gia vào chuỗi thức ăn của các loài. Ngoài ra, TP cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người dân về giá trị bảo tồn các loài cây ăn quả đặc hữu... Đặc biệt, bản kế hoạch đã đưa ra danh sách 133 loài thực vật, động vật bản địa nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN) cần ưu tiên bảo vệ. Trong đó có chín dự án ưu tiên đầu tư và nghiên cứu đầu tư. Đó là nghiên cứu đặc điểm sinh thái, sinh trưởng của các loài thực vật thân gỗ bản địa, đề xuất ưu tiên trồng bảo tồn chuyển vị trong các mảng xanh đô thị; kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH dưới tác động biến đổi khí hậu tại TP.HCM; xây dựng chương trình truyền thông cộng đồng... với nguồn vốn, nguồn nhân lực được xây dựng chi tiết, cụ thể. 
ĐDSH là sự giàu có, phong phú của các nguồn gen, loài và hệ sinh thái trên Trái đất. Chúng có ý nghĩa sống còn đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là bảo vệ cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, sự phát triển dân số, sản xuất công nghiệp, hoạt động nông nghiệp, khai phá tài nguyên... đã khiến cho một số loài động vật biến mất. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến ĐDSH, hệ sinh thái và con người cũng không tránh khỏi những tác động này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm