Thay đổi thói quen sử dụng túi nylon

Trong khuôn khổ tọa đàm Giảm sử dụng túi nylon: Khó khăn và giải pháp do Sở TN&MT TP.HCM, UBND quận 5 tổ chức, các đại biểu đã tham gia đóng góp những kế hoạch, kết quả đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt là sự chuyển biến trong việc hình thành ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.

Túi xanh vì môi trường xanh

Tại hội thảo, đại diện UBND quận Bình Thạnh chia sẻ một số kết quả đáng ghi nhận. Năm 2013, quận phối hợp với Sở TN&MT TP.HCM thực hiện thí điểm chương trình Giảm sử dụng túi nylon trên địa bàn quận Bình Thạnh. Chương trình đã tổ chức lớp tập huấn cho 272 tuyên truyền viên nòng cốt, 100 em học sinh Trường Đống Đa; phát cẩm nang tuyên truyền và túi sử dụng nhiều lần; phát động cuộc thi Thiết kế túi xinh; thành lập Tổ Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường; vận động hộ gia đình ký cam kết giảm sử dụng túi nylon; tổ chức tọa đàm cho 300 tiểu thương chợ Bà Chiểu, đơn vị bán lẻ, sản xuất túi thân thiện môi trường; tổ chức Ngày hội túi xanh vì môi trường xanh; triển lãm, trưng bày các loại túi đựng hàng thay thế túi nylon.

Gian hàng túi thân thiện môi trường tại Ngày hội túi xanh vì môi trường xanh do Sở TN&MT TP.HCM phối hợp UBND quận Bình Thạnh tổ chức. Ảnh: NGỌC CHÂU

Ngoài ra còn nhiều hoạt động khác như cuộc thi Thời trang từ vật liệu phế thải; Tuần nói không với túi nylon… Qua những chương trình này, ý thức người dân ngày càng có bước chuyển biến đáng kể. Các em học sinh cũng hiểu rõ hơn về tác hại của túi nylon. Tiểu thương dần chuyển sang sử dụng túi thân thiện môi trường.

Bà Võ Thị Thanh Thủy, đại diện Ban Thường vụ Hội LHPN quận 5, chia sẻ đối với các chị em phụ nữ đi chợ là phần công việc hằng ngày. Có lẽ không nơi nào túi nylon khó phân hủy lại được sử dụng và được cho hào phóng như ở chợ. Quan sát tại một sạp bán trái cây, số túi nylon dùng đựng một món hàng cho khách là hai chiếc; tại khu bán thực phẩm, lượng túi sử dụng nhiều hơn, thậm chí những người mang giỏ nhựa cũng lỉnh kỉnh túi nylon bên trong. Ở sạp chạp phô, bán quần áo, trung bình cứ một tuần người bán sử dụng khoảng 3-10 kg túi nylon đủ loại, đủ mọi kích cỡ. Chính điều này mà túi nylon đã trở nên rất quen thuộc với cuộc sống con người.

Mỗi người dân là một sứ giả tuyên truyền

Từ năm 2012, Hội LHPN quận 5 triển khai thí điểm chương trình hạn chế sử dụng túi nylon. Mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng có liên quan về tác hại của loại túi này với môi trường và sức khỏe. Chương trình được triển khai thông qua các lớp tập huấn cho các chị là lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt. Tính đến nay, hội đã có 80 tuyên truyền viên sẵn sàng đến với các hộ gia đình. Ngoài ra, hội còn lập kế hoạch triển khai đến từng đối tượng cụ thể.

Tại hệ thống các chợ, chương trình tuyên truyền về tác hại, hưởng ứng hạn chế sử dụng túi nylon thông qua hệ thống loa phát thanh. Kết quả, chín chợ hưởng ứng với 1.426 hội viên, tiểu thương đăng ký thực hiện bằng phiếu, đạt tỉ lệ hơn 77%. Đồng thời các chị cũng chủ động tìm nguồn túi thân thiện môi trường để thay thế túi nylon khó phân hủy. Hội cũng tổ chức hai buổi tọa đàm nhằm trao đổi kinh nghiệm cho 94 hộ kinh doanh quần áo trên tuyến đường Nguyễn Trãi. Kết quả có 24 hộ đăng ký thực hiện chuyển đổi sử dụng loại bao bì thân thiện môi trường.

Đối với phụ nữ tại địa bàn dân cư, hội triển khai phong trào Không dùng túi nylon trong trường hợp có thể thay thế được. Bên cạnh đó, hội còn phát động dán túi giấy tặng các tiểu thương ngành hàng chạp phô và hàng vải. Tháng 7-2014, hội thực hiện khảo sát, vận động các hộ kinh doanh mặt hàng túi nylon bằng các loại túi thân thiện môi trường. Nếu kết quả khả quan thì vào tháng 9 tới đây, chín chợ trên địa bàn quận 5 có điểm cung cấp mặt hàng túi thân thiện môi trường.

Với những kết quả đạt được, chúng ta thấy rõ ràng cộng đồng luôn tích cực, nhiệt tình hưởng ứng việc bảo vệ môi trường. Vì vậy các chương trình giảm thiểu sử dụng túi nylon cần được nhân rộng hơn để TP.HCM phát triển ngày càng xanh, sạch, đẹp.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm