CHUYÊN ĐỀ PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN TẠI NGUỒN - BÀI 2:

Thay đổi thói quen xả, bỏ rác thải

Theo kế hoạch hoạt động của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, TP sẽ quyết liệt thực hiện dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn (PLCTRTN) trong thời gian từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, sáu quận, huyện thí điểm thực hiện dự án gồm 1, 4, 5, 6, 10 và Củ Chi phải hướng dẫn xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thí điểm, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, theo dõi đấu thầu mua sắm thiết bị, tuyên truyền, tập huấn… cũng như ra quân thực hiện vào tháng 6 tại quận 6 và tháng 9 tại các quận, huyện còn lại. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án tại các quận, huyện thí điểm lên tới 146 tỉ đồng.

Còn nhiều khó khăn

PLCTRTN đòi hỏi mỗi người dân phải thay đổi thói quen xả, bỏ rác thải vốn đã hình thành từ rất lâu đời. Vì vậy, dự án này bước đầu sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định. Thực tế triển khai PLCTRTN trên chín phường tại quận 6 cho thấy quá trình thực hiện vẫn chưa đồng bộ, phương tiện thu gom rác của lực lượng thu gom rác dân lập còn quá thô sơ. Tâm lý của lực lượng thu gom rác dân lập là sợ bị giảm nguồn thu nhập khi người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Vì vậy, họ thiếu sự đồng thuận trong việc tham gia dự án khiến cho người dân dù có phân loại tốt thì quá trình thu gom tại nguồn cũng không đạt hiệu quả.

Năm 2009, dự án PLCTRTN trên địa bàn quận 6 bị chựng lại một thời gian vì không có vốn triển khai thực hiện. Mặt khác, dự án chế biến chất thải rắn thành phân compost của Công ty Vietstar triển khai không đúng tiến độ, kéo theo việc chậm chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ dự án PLCTRTN trên địa bàn quận 6.

Thay đổi thói quen xả, bỏ rác thải ảnh 1

Rác thải sinh hoạt hỗn hợp như thế này nếu được phân loại tại nguồn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: PHI HOÀNG

Đến nay, Công ty Dịch vụ công ích quận 6, chủ đầu tư dự án PLCTRTN của quận 6, đã tổng hợp giá vật tư nguyên liệu để có quyết định phê duyệt dự toán điều chỉnh. UBND quận 6 cũng đã được ghi vốn 500 triệu đồng để chuẩn bị đầu tư dự án.

Tuyên truyền và thực hiện đồng bộ

Để khuyến khích người dân TP thực hiện PLCTRTN, Sở TN&MT đã đề nghị UBND TP cấp phát miễn phí cho mỗi hộ dân tại các quận, huyện thí điểm dự án các dụng cụ sau: hai thùng rác có dung tích tối đa 15 lít, thùng màu xanh lá cây chứa rác hữu cơ và thùng màu xám chứa rác vô cơ; 14 túi rác/tuần có dung tích tối đa 15 lít, bảy túi màu xanh lá cây chứa rác hữu cơ và bảy túi màu xám chứa rác vô cơ. Mỗi cơ quan nhà nước, trường học công lập tại các quận, huyện thí điểm dự án được đầu tư hai thùng 240 lít, thùng màu xanh lá cây chứa rác hữu cơ, thùng màu xám chứa rác vô cơ.

Dự án muốn thực hiện đồng bộ thì cần có sự tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác cho mỗi người dân. Được biết, Sở TN&MT TP.HCM đã ghi vốn 3 tỉ đồng cho công tác tuyên truyền dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, quy trình thực hiện dự án PLCTRTN đòi hỏi hệ thống thu gom rác tại nguồn phải thu gom riêng biệt hai loại rác thải nêu trên, đồng thời tổ chức phương tiện vận chuyển riêng biệt hai loại rác trên về các khu vực xử lý riêng biệt. Việc xây dựng các nhà máy sản xuất phân compost và tái chế rác thải, ban hành các quy định hướng dẫn thực hiện PLCTRTN cũng đặt ra hết sức cấp thiết.

Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có đầy đủ các thiết bị, dụng cụ thu gom, tập trung chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại và đáp ứng các yêu cầu tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có đủ phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn và phải thực hiện PLCTRTN.

Cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp làng nghề phải PLCTRTN và chuyển về khu tập kết chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải.

Đô thị phải có thiết bị, phương tiện thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư.

(Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005)

HOÀNG LAM tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm