TP.HCM nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

TP.HCM nằm trải dọc theo sông Sài Gòn với diện tích hơn 2.000 km2 và gần 10 triệu dân cư sinh sống. Với tốc độ phát triển kinh tế cao, TP góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung. Tuy vậy, nơi đây nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam Bộ và ĐBSCL; địa hình thấp dần, có nơi chỉ cao hơn mực nước biển từ 0,5 m đến 1 m. Do đó chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra, đặc biệt là nước biển dâng.

Triển khai nhiều phương án ứng phó

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, TP.HCM là một trong 10 đô thị lớn bị ảnh hưởng nặng bởi BĐKH. Vào năm 2100, khi mực nước biển dâng cao 1 m, 20% diện tích TP sẽ bị ngập trong nước.

Trồng một cây xanh, thêm một hành động để bảo vệ môi trường. Ảnh: NGỌC CHÂU

Trước tình hình này, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP đang nỗ lực triển khai phương án ứng phó với BĐKH. Chúng ta đã đầu tư các dự án để cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường; giảm phát thải carbon, giảm tiêu thụ nguyên-nhiên liệu; tăng cường các hoạt động tiết giảm, tái chế, tái sử dụng rác thải; tăng cường trồng rừng, cây xanh, mảng xanh đô thị. Trong đó bao gồm các dự án cải thiện vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm; dự án Quy hoạch và hoàn thiện 3 km khu liên hợp xử lý và tái chế chất thải (Tây Bắc, Củ Chi; Đa Phước, Bình Chánh; Thủ Thừa - Long An); dự án đầu tư mới xe buýt đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải; xe buýt sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường; tuyến xe buýt nhanh BRT, tuyến metro. Đồng thời, TP cũng hướng dẫn, hỗ trợ vốn vay cho các hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas… Đặc biệt, trong năm 2011, Thành ủy TP.HCM ban hành Nghị quyết Đảng bộ khóa IX về kế hoạch thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường. Đây là một trong sáu chương trình trọng điểm TP thực hiện giai đoạn 2011-2015. 

Cần cộng đồng chung tay

Song song với các dự án cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, TP.HCM đã chú trọng công tác tuyên truyền cho cộng đồng. Chúng ta xác định đây là công tác phải thực hiện thường xuyên, lâu dài để cộng đồng cư dân cùng tham gia với chính quyền. Tại buổi lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, ông Tín chia sẻ: “TP.HCM rất vinh dự và vui mừng được đăng cai tổ chức các hoạt động quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới. Đây là dịp để TP chia sẻ thông tin và thúc đẩy sự hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Đồng thời cũng là dịp để công tác tuyên truyền và bảo vệ môi trường của TP đến được với cộng đồng nhiều hơn qua các phương tiện thông tin đại chúng”. Qua đó, ông cũng bày tỏ lời kêu gọi các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư hãy tham gia, liên kết bảo vệ môi trường ngay từ những hành động nhỏ nhất như bỏ rác đúng nơi quy định, giao rác đúng giờ...

NGỌC CHÂU

Ở mức độ quốc gia, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các cấp chính quyền, đoàn thể, quần chúng, tổ chức chính trị-xã hội, mọi công dân Việt Nam hãy có những hành động thiết thực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH bằng những nội dung cụ thể. Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng để khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; chủ động phòng, chống thiên tai; sử dụng hàng hóa thân thiện môi trường; xanh hóa lối sống; tiêu dùng bền vững… Thứ hai, thực hiện các biện pháp tái cấu trúc nền kinh tế phát triển theo chiều sâu, giảm dần sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường. Thứ ba, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm hướng đến việc quản lý, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Thứ tư, tăng cường nguồn lực tài chính cho bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với BĐKH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm