Vay vốn cho các dự án bảo vệ môi trường

Quỹ Bảo vệ môi trường TP.HCM (HEPF) thuộc Sở TN&MT TP.HCM đã tổ chức hội thảoHỗ trợ tài chính cho các dự án bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn TP.HCM. Chương trình quy tụ các công ty, đơn vị sản xuất, xử lý môi trường, thu gom vận chuyển… đến tham dự.

Lãi suất tối đa 5,5%/năm

Tại hội thảo, HEPF cho biết chương trình cho vay áp dụng với mọi thành phần kinh tế có dự án thuộc các lĩnh vực trong ngành môi trường. Chẳng hạn như tiết giảm, tái sử dụng, tái chế (nhựa, giấy…); đầu tư công nghệ, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường; các hạng mục đầu tư về kiểm soát ô nhiễm (hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn…); đầu tư dịch vụ xử lý môi trường (đầu tư trang thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải…); tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Đối tượng chính tham gia chương trình vay ưu đãi là các dự án thuộc lĩnh vực BVMT. Ảnh: NGỌC CHÂU

Chương trình hỗ trợ tài chính cho các dự án thông qua hình thức cho vay có tài sản đảm bảo bằng các hình thức cầm cố, thế chấp hoặc bảo lãnh của bên thứ ba. Tùy theo tài sản đảm bảo, quy mô dự án mà chương trình sẽ có mức hỗ trợ khoản vay phù hợp. Tuy nhiên, mức vốn vay không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. Tổng dư nợ cho vay đối với một chủ đầu tư không vượt quá 15% vốn của HEPF. Chương trình áp dụng thời gian vay tối đa năm năm, lãi suất là 5,5%/năm. Đây là mức lãi suất tối đa, sẽ được điều chỉnh giảm theo lãi suất của Ngân hàng Nhà nước với biên độ dao động 1%.

Theo nhận định của HEPF, tham gia chương trình vay, doanh nghiệp đạt được ba lợi ích lớn. Thứ nhất là cơ hội tăng nguồn vốn với lãi suất tốt, thấp hơn so với việc nhà đầu tư tự bỏ vốn ra hay vay vốn từ ngân hàng. Thứ hai, đạt được cả hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường và hiệu quả về mặt xã hội. Thứ ba, nâng cao hình ảnh, tiếng nói của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư BVMT.

Kinh doanh phải có tính bền vững

Trước khi hội thảo Hỗ trợ tài chính cho các dự án BVMT trên địa bàn TP.HCM diễn ra, HEPF đã có buổi gặp gỡ riêng với một số đơn vị là nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cao ốc văn phòng… Được biết có khoảng 300 đơn vị được cơ quan địa phương các quận, huyện chọn lọc, đưa vào diện “cần” cải thiện, đầu tư về vấn đề vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, thực tế số lượng đại diện đến tham dự buổi gặp gỡ chỉ vẻn vẹn khoảng 20 người. Con số này rất khiêm tốn so với danh sách như đã đề cập ở trên. Điều này thể hiện nhiều đơn vị vẫn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề môi trường.

Và cũng dễ hiểu khi việc BVMT đối với họ chỉ dừng ở mức “cần” nên “thích thì làm mà không thích thì thôi”, thậm chí tỏ ra thờ ơ. Ở đây có một số giải pháp chúng ta có thể xem xét. Đó là cán bộ chuyên trách môi trường tại địa phương cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp sai phạm; công cụ xử phạt, chế tài nên được phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài ra, cần tổ chức khảo sát, tìm hiểu khó khăn của các cơ sở sản xuất để có hướng hỗ trợ phù hợp. Sau cùng vẫn là câu chuyện ý thức. Bởi vì đứng trên phương diện kinh doanh, họ cho rằng chẳng cần thiết phải bỏ tiền đầu tư cải thiện vấn đề vệ sinh môi trường trong khi công việc kinh doanh vẫn hoạt động tốt.

Do vậy, chúng ta cần phải kết hợp nhiều chương trình tuyên truyền vận động nâng cao ý thức dành riêng cho đối tượng là các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cao ốc văn phòng… Có thể tổ chức câu lạc bộ nhà hàng, quán ăn kinh doanh gắn kết với môi trường; biểu dương, khuyến khích khách hàng đến các nhà hàng, quán ăn xanh; phát triển rộng rãi mô hình cao ốc xanh; lên án mạnh mẽ những hành động sai phạm…

Ngày 23-6, Quốc hội thông qua Luật BVMT (sửa đổi), chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2015. Trong đó, luật quy định bổ sung, cụ thể trách nhiệm của các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Do vậy, chương trình hỗ trợ tài chính của HEPF cũng nhằm tạo điều kiện để các dự án môi trường có cơ hội triển khai thực tế.

Chúng ta ai cũng hiểu rằng không phải cứ sai rồi phạt mà vấn đề là làm thế nào để mỗi đơn vị, mỗi người tự giác ý thức, hiểu và yêu lấy môi trường đang sống. Thế mới là kinh doanh có tính bền vững.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm