VinaCapital: Nỗ lực giúp doanh nghiệp Việt hội nhập thế giới

Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, về những vấn đề liên quan tới WEF và sự tác động của WEF Đông Á 2010 tại Việt Nam.

. Xin ông cho biết thông tin về WEF và tầm quan trọng của hội nghị WEF tại TP.HCM?

+ Năm nay, Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức hội nghị lần thứ 19 của WEF với chủ đề là Đông Á. Với tư cách là một trong những tổ chức phi lợi nhuận, hành động vì sự tiến bộ của thế giới thông qua hoạt động quản trị doanh nghiệp, mục đích chính của WEF là giúp các doanh nghiệp điều hành các hoạt động một cách hiệu quả cả về mặt lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, môi trường. Đại đa số thành viên của WEF là các nhà lãnh đạo cấp cao từ trên 1.000 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, trong số đó có nhiều doanh nghiệp nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu do tạp chí Fortune bình chọn.

Việc Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức sự kiện này có một ý nghĩa rất quan trọng vì Việt Nam đang là một trong những quốc gia thành công nhất trong quá trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, góp phần làm kinh tế khu vực Đông Nam Á trở nên khởi sắc.

. Mối quan hệ giữa VinaCapital với WEF?

+ VinaCapital trở thành thành viên của WEF từ năm 2007 và là tập đoàn đầu tiên tại Việt Nam tham gia tổ chức này. Chủ tịch tập đoàn (ông Horst Geicke) và tôi (Don Lam) đã may mắn tham dự hầu hết các kỳ hội nghị của WEF tại Davos (Thụy Sĩ) và tại các nước châu Á. Đặc biệt còn được mời tham gia các phiên thảo luận, nơi chúng tôi có cơ hội nói về Việt Nam, về những bước phát triển kinh tế, xã hội thần kỳ của đất nước này. Việc tham dự các sự kiện của WEF là một trong những phương cách tuyệt vời để luôn cập nhật các khuynh hướng và tiến triển mới nhất của cộng đồng doanh nghiệp thế giới. Qua đó, chúng ta có thể mở rộng nhanh chóng mạng lưới kinh doanh của mình.

VinaCapital: Nỗ lực giúp doanh nghiệp Việt hội nhập thế giới ảnh 1

Tôi thấy việc gia nhập WEF là một cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam để hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế thế giới và gặp gỡ các đối tác kinh doanh mới, chinh phục thị trường mới. Đến nay đã có khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là các tập đoàn nhà nước sẵn sàng tham gia WEF.

Thêm vào đó, VinaCapital đã nỗ lực cùng Chính phủ trong việc quảng bá đến các thành viên khác của WEF những đổi mới về kinh tế của Việt Nam, về những cơ hội đầu tư hấp dẫn tại đây. Ngay ở Davos và các kỳ họp tại Trung Quốc, Hàn Quốc vừa qua, VinaCapital đã tổ chức các sự kiện bên lề để các nhà lãnh đạo kinh doanh trên thế giới có thể trực tiếp đối thoại với các vị lãnh đạo cấp cao của chính phủ Việt Nam nhằm mang lại sự hiểu biết về Việt Nam cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thế giới.

. Doanh nghiệp Việt Nam có thể trông đợi gì từ việc tham gia WEF?

+ Tôi rất mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tham dự WEF và hy vọng rằng hội nghị WEF tại TP.HCM là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp thấy rõ lợi ích của việc chủ động tham gia vào các tổ chức như WEF. Các công ty Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội để đáp ứng các tiêu chí hội nhập quốc tế và trở thành những điển hình xuất sắc trong tiến trình hoạt động và văn hóa doanh nghiệp. Những hành động này sẽ ảnh hưởng rất tích cực đến lợi ích của doanh nghiệp qua việc củng cố và làm cho các hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển và ổn định.

. Theo ông, những ngành kinh tế nên đầu tư trong năm 2010 và sau đó?

+ Năm 2010, khi các nhà đầu tư nước ngoài quay lại tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam, họ sẽ chú trọng vào các ngành kinh tế ảnh hưởng tích cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế nội địa. Cụ thể, các ngành dịch vụ tài chính, y tế và giáo dục sẽ phát triển nhanh trong thập niên tới. Các loại hàng hóa có thương hiệu mạnh sẽ tiếp tục tăng trưởng và hàng nội địa sẽ tìm ra phương cách để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Một ngành khác mang tính quyết định đối với toàn bộ nền kinh tế là cơ sở hạ tầng. Chính phủ Việt Nam đã dồn rất nhiều tâm huyết để làm cho các cơ hội đầu tư của ngành này trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài như đa dạng hóa các hình thức đầu tư cho các dự án cầu, đường. Các ứng dụng về công nghệ cao cũng được xem xét, chúng ta có thể thấy sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc kinh doanh mạng 3G…

Khi chính phủ Việt Nam tiếp tục điều chỉnh các chính sách điều hành kinh tế để cân bằng giữa tốc độ phát triển và sự phát triển bền vững, doanh nghiệp Việt Nam (tư nhân và nhà nước) thì sẽ có thêm nhiều khả năng phát triển và thu lợi nhuận trong những năm tới.

PHI NGUYỄN lược ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm