Vinamilk thẳng tiến đến thị trường Nga

Từ ngày 12-11 đến 12-12, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cùng một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao Moscow 2015 tại trung tâm thương mại thuộc Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moscow, Liên bang Nga. Chương trình do Bộ Công Thương, UBND TP Hà Nội và TP.HCM, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Hiệp hội Các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga và Công ty INCENTRA tổ chức.

 Ông Nguyễn Thanh Sơn - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga và ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam tham quan gian hàng của Vinamilk tại hội chợ.

Tiến nhanh vào thị trường Nga

Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao Moscow  2015 nhằm xúc tiến đầu tư thương mại, giới thiệu và quảng bá các mặt hàng chất lượng cao đến người tiêu dùng. Đặc biệt, đây là dịp để doanh nghiệp tiếp cận thị trường Nga trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) được ký kết. Hội chợ quy tụ hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam trưng bày khoảng 12.000 sản phẩm, hàng hóa trong nhiều lĩnh vực. Một số diễn đàn xúc tiến thương mại cũng sẽ được tổ chức song song với hội chợ để giúp các doanh nghiệp Việt có cơ hội giao lưu, tiếp cận sâu hơn thị trường Nga.

Tham dự hội chợ, gian hàng của Vinamilk rộng hơn 100 m2 trưng bày đầy đủ các dòng sản phẩm dinh dưỡng chất lượng quốc tế, đáp ứng nhu cầu cho mọi đối tượng tiêu dùng. Đặc biệt, đây cũng là những sản phẩm gắn liền với tên tuổi của công ty như sữa nước, sữa chua, sữa đặc Ông Thọ và Ngôi Sao Phương Nam, sữa bột Dielac, nước ép trái cây Vfresh, kem Vinamilk, sữa đậu nành Goldsoy… Tại hội chợ, công ty còn tổ chức cho người tiêu dùng Nga dùng thử sản phẩm. Khách hàng đặc biệt có cảm tình với những sản phẩm này, đặc biệt các loại sữa nước, sữa đậu nành, nước giải khát.

 Đại diện công ty giới thiệu đến người tiêu dùng Nga những sản phẩm chất lượng, đa dạng.

Ngay trước thời điểm diễn ra hội chợ, Vinamilk đã có những bước đi đầu tiên tiến thẳng vào thị trường Nga với các lô hàng xuất vào TP St. Petersburg. Điều này có được do kinh nghiệm dày dạn từ việc xuất khẩu đi hơn 40 quốc gia trong đó có thị trường châu Âu của công ty. Từ các phản hồi tích cực của thị trường, dự kiến thời gian tới công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển và mở rộng hoạt động ở quốc gia này. Các kế hoạch đầu tư và kinh doanh quốc tế tại đây sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu doanh số 3 tỉ USD và lọt Top 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới của công ty. Vì vậy đến với hội chợ lần này, công ty xem đây không chỉ là cơ hội mở rộng thị trường mà còn tìm kiếm những đối tác phân phối tiềm năng để hợp tác, thâm nhập vào Nga. Ngoài việc tham dự hội chợ, đại diện công ty còn tham gia các hoạt động, hội thảo xúc tiến thương mại bên lề chương trình.

Phát huy thế mạnh vốn có

Vinamilk là thương hiệu duy nhất trong ngành sữa Việt Nam bốn lần liên tiếp được Chính phủ vinh danh là thương hiệu quốc gia. Tại Việt Nam, sản phẩm của công ty luôn là một trong những sự lựa chọn đầu tiên của người dùng với khoảng 53% thị phần ngành hàng sữa nước, 84% thị phần sữa chua và 80% thị phần sữa đặc… Song song đó, hệ thống phân phối bán hàng rộng khắp giúp cho các sản phẩm của công ty có mặt tại hơn 212.000 điểm bán lẻ, 100 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của chính công ty và 650 siêu thị trên toàn quốc.

Tại hội chợ, công ty còn tổ chức cho người tiêu dùng Nga dùng thử các sản phẩm.

Ngoài thị trường trong nước, công ty đã đầu tư 22,8% cổ phần tại Nhà máy Miraka (New Zealand), 70% cổ phần vào Nhà máy Driftwood (Mỹ), nắm giữ 51% cổ phần đầu tư nhà máy tại Campuchia, mở công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại tại châu Âu. Sản phẩm của Vinamilk hiện cũng có mặt ở hơn 40 nước trên thế giới như  Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Úc...

Với Nga, đất nước này chẳng gì xa lạ với Vinamilk bởi CEO và nhiều cán bộ quản lý cấp cao của công ty đã được đào tạo bài bản về ngành sữa tại đây. Sau đó họ trở về nước và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành sữa Việt Nam những năm qua. Ngoài ra, hằng năm công ty đều tuyển chọn sinh viên xuất sắc của các trường ĐH và đưa đi đào tạo chuyên ngành sữa ở nước này.

 

Chi phí sản xuất sữa tăng

Tại Nga, sữa là một trong những sản phẩm mang tính truyền thống trong khẩu phần dinh dưỡng của mỗi gia đình. Do vậy các công ty liên tục đưa ra những sản phẩm mới, tăng sự quan tâm của người dùng trong các sản phẩm truyền thống bằng cách phát triển thêm hương vị và giải pháp mới. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề mà ngành sữa tại Nga đang phải đối mặt. Thông tin từ tờ Nezavisimaya Gazeta của Nga cho biết lệnh trừng phạt của các nước châu Âu đã khiến số lượng các sản phẩm sữa giả tại nước này gia tăng mạnh mẽ, chiếm đến 50% hàng hóa trên kệ tại các cửa hàng. Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Nga, nước này sẽ giảm nhập khẩu sữa khoảng 30%, tương đương khoảng 3,2 triệu tấn vào năm 2020. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Alexandr Tkachev nói rằng sự phát triển của ngành sữa sẽ là một mục tiêu chính trong thời gian tới. Giai đoạn 2015-2020, chính phủ sẽ đầu tư 14 tỉ USD cho ngành sữa trong nước và khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua các khoản vay mềm và các lợi ích về thuế.

Ước tính của Liên hiệp Các nhà sản xuất sữa của Nga (Soyuzmoloko), sự mất giá của đồng rúp vào năm ngoái và cuộc khủng hoảng nền kinh tế dưới lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm tăng chi phí sản xuất sữa. Quý I-2015, chi phí sản xuất đã tăng 30%-40% so với năm ngoái. Trong bối cảnh đó, các bên tham gia thị trường cho rằng kế hoạch tăng lượng sản xuất của chính phủ có nguy cơ thất bại, trừ khi các nhà chức trách tìm hướng nào đó để tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất sữa. Theo dữ liệu của Soyuzmoloko, tính đến ngày 1-5, giá thu mua sữa nguyên liệu ở mức 0,32-0,34 USD/lít. Trong khi ở một số vùng, con số này giảm xuống chỉ còn 0,26 USD/lít, thấp hơn khoảng 10% so với tháng năm 2014. Kết quả là gần như một nửa của ngành công nghiệp đã hoạt động với khoản lỗ trong nửa đầu năm 2015. Tình hình trở nên tồi tệ bởi thực tế, các doanh nghiệp sản xuất sữa ở Nga trong tình trạng kinh doanh “huề vốn” trong nhiều năm. Và những khoản nợ khổng lồ trong năm 2015 có nguy cơ kéo các doanh nghiệp đến bên bờ phá sản. Do vậy, trước tình hình hiện tại, đó cũng là cơ hội nhưng cũng đầy thách của những doanh nghiệp Việt muốn tiến sâu vào thị trường Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm