Thợ gốm 'nặn' 6 tượng hổ đứng, nằm, vồ, ngồi...đón Tết Nhâm Dần

Anh Nguyễn Văn Hoàng (38 tuổi, ngụ phường Thanh Hà, TP Hội An) là một trong những người thợ gốm giàu kinh nghiệm tại làng gốm Thanh Hà. Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022 đến gần, anh được chính quyền địa phương đặt hàng chế tác 6 tượng hổ để đem đi trưng bày tại làng gốm nhân dịp năm mới, với giá 2 triệu đồng một con.

Sinh ra trong một gia đình làm gốm truyền thống, từ nhỏ, anh Hoàng đã tiếp xúc với đất sét, nhào nặn những sản phẩm mang xu hướng phục vụ khách du lịch như những món quà lưu niệm cỡ nhỏ, tượng 12 con giáp,...

Tuy nhiên, dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát, ngành du lịch Hội An vắng khách, những lò gốm tại phường Thanh Hà cũng vì thế mà đóng cửa. Suốt 2 năm qua, anh Hoàng phải chuyển sang làm nghề thợ mộc để kiếm thêm thu nhập. Chỉ trừ vào những dịp cận Tết Âm lịch, có doanh nghiệp hay chính quyền đặt hàng, anh Hoàng mới quay lại công việc nặn gốm.

Anh Hoàng tỉ mỉ từng họa tiết trên tượng hổ. Ảnh: BT.

Mặc dù đã từng làm nhiều con giáp bằng gốm, nhưng đây là năm đầu tiên anh Hoàng nặn tượng hổ. Anh cho biết phải lên mạng tìm hiểu những tư thế của hổ, thái độ khuôn mặt của loài hổ để dễ dàng hình dung hơn trong tạo hình.

Được biết, để làm nên một tượng hổ, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như nhồi đất, tạo hình, vẽ họa tiết, đem phơi khô rồi mới đưa đi nung. 

"Tôi chọn 3 thế đứng, nằm, vồ cho 6 tượng hổ, công đoạn khó nhất vẫn là làm khuôn mặt của hổ, bởi mỗi thế của con hổ sẽ biểu hiện một gương mặt khác nhau, từ ánh mắt cho đến cách nhe răng", anh Hoàng nói.

6 tượng hổ có 3 thế nằm, đứng, vồ được người thợ gốm tạo hình thành công. Ảnh: BT.

Được biết, kích thước mỗi con hổ có chiều dài 60 cm, rộng 30 cm. Mỗi con đều rỗng phần thân, có lỗ thoát khí để khi nung tránh tình trạng nứt nẻ, nổ. Chỉ còn vài ngày nữa, anh sẽ tiến hành đem nung tượng hổ, sau đó tô sơn trang trí rồi đem đi trưng bày tại làng gốm Thanh Hà.

"Thực ra đây là năm thứ 4 tôi được phường đặt hàng làm linh vật chào đón năm mới. Nếu tính tiền công thì chia ra mỗi ngày cũng được khoảng 200.000 đồng, bản thân tôi không quá nặng nề về vấn đề này, quan trọng sản phẩm mình được nhiều người biết đến là tôi vui rồi", anh nói.

Ông Nguyễn Hào, Phó ban Quản lý làng gốm Thanh Hà cho biết, sau con hổ sẽ được đặt lên trên các bức phù điêu có đế sẵn xung quanh làng gốm để chào đón năm mới, du khách sẽ được tham quan, chụp hình với tượng hổ khi đi qua khu vực này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm