10 năm mới xong một vụ án hành chính

Như vậy, với phán quyết này của tòa đã khép lại một vụ kiện khá đơn giản nhưng kéo dài đến 10 năm. Chỉ có điều người đứng đơn khởi kiện hành chính trong vụ án này nay đã qua đời.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, năm 2003, ông Kiệt đứng đơn khởi kiện chủ tịch UBND huyện Thuận An, đến năm 2007 ông qua đời nên vợ ông tiếp tục đeo đuổi vụ kiện. Sau đó, vợ ông Kiệt lại ủy quyền cho em chồng tiếp tục tham gia vụ kiện đến nay.

Theo hồ sơ, tháng 7-2003, chủ tịch UBND huyện Thuận An ban hành Quyết định số 829 buộc ông Kiệt tháo dỡ phần cổng rào chắn lối đi trên con đường cụt (tức con đường nội bộ của ông Kiệt) và khôi phục khu đất tranh chấp để làm lối đi chung. Không đồng ý, ông Kiệt khiếu nại và chủ tịch UBND huyện ra quyết định bác yêu cầu của ông nên ông khởi kiện ra TAND huyện.

Xử sơ và phúc thẩm lần một, hai cấp tòa đều bác yêu cầu của người khởi kiện. Đến năm 2011, Hội đồng Tái thẩm Tòa Hành chính TAND Tối cao đã ban hành quyết định tái thẩm hủy hai bản án hành chính sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại. Hội đồng Tái thẩm cho rằng nội dung quyết định của chủ tịch huyện là không đúng, làm ảnh hưởng đến nội dung kết quả giải quyết vụ án hành chính.

Xử sơ thẩm lần hai, TAND thị xã Thuận An tiếp tục bác đơn của gia đình ông Kiệt. Tháng 12-2012, TAND tỉnh Bình Dương đã hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu TAND thị xã Thuận An xét xử lại vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Cuối năm 2013, Tòa Hành chính TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm, hủy án phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh giải quyết phúc thẩm lại. Theo đó, tòa này nói rõ việc chủ tịch UBND huyện giải quyết tranh chấp đất của ông Kiệt là không đúng thẩm quyền và không có căn cứ pháp luật, trái Luật Đất đai. Án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của ông Kiệt là không đúng pháp luật. Án phúc thẩm hủy án sơ thẩm với lý do máy móc, không cần thiết, kéo dài việc giải quyết án.

Xử phúc thẩm lại (lần ba) mới đây, TAND tỉnh Bình Dương nhận định diện tích con hẻm cụt có tranh chấp nằm trong phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình ông Kiệt từ năm 1988 và đã được cấp giấy. Vì vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp này là của tòa án. Việc chủ tịch UBND huyện ra quyết định giải quyết là không đúng thẩm quyền và không có căn cứ. Vì vậy, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.