BAO GIỜ SÀI GÒN HẾT NGẬP? - BÀI 1

10 năm vã mồ hôi chống ngập

Cơn mưa ngày 5-6 tại TP.HCM kéo dài gần 1 giờ đồng hồ với lượng mưa đo được 75 mm đã gây ra 20 điểm ngập. Trận mưa chiều tối 30-6 cũng có năm điểm ngập nặng.

15 mm/năm là con số chỉ tốc độ lún tại nhiều điểm ở TP.HCM. Con số này làm trầm trọng thêm tình hình chống ngập.

Năm 2010, TP.HCM đã giảm 46% số điểm ngập nước; tổng số lần ngập giảm 43,7% so với năm 2009.

Hơn 10 năm trước, vấn đề chống ngập đã thường xuyên trở thành đề tài nóng tại các buổi chất vấn và thảo luận của kỳ họp HĐND TP.HCM.

Xóa nơi này, phát sinh nơi khác

Đầu năm 2001, toàn TP có khoảng 100 điểm ngập. Những địa chỉ ngập “truyền thống” trong thời gian này là bùng binh Cây Gõ, Bến xe Chợ Lớn, nhiều khu vực ở quận 1, 3, 5, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp…

Thời điểm này, TP lên kế hoạch chống ngập giai đoạn 2001-2005 bằng các giải pháp cấp bách như nâng đường, cải tạo một số đường cống thoát nước…

Sau năm năm chống ngập bằng các biện pháp trên, TP đã xóa được 62 điểm ngập. Nhưng cũng trong giai đoạn này, TP lại phát sinh đến 67 điểm ngập mới! Đến đầu năm 2006, toàn TP có 105 điểm ngập. Trong ba năm tiếp theo (2006-2008), TP xóa được 57 điểm ngập thì lại phát sinh đến 78 điểm ngập mới khiến tổng số điểm ngập đến đầu năm 2009 nâng lên 126. Trong năm 2009, TP tiếp tục xóa được 30 điểm ngập và rất may là không phát sinh điểm ngập mới nào. Nhưng qua năm 2010, 32 điểm ngập mới xuất hiện dù 70 điểm ngập cũ được xóa.

10 năm vã mồ hôi chống ngập ảnh 1

Đường Trần Hưng Đạo, phường 5, quận 5 ngập lênh láng trong trận mưa ngày 5-6. Ảnh: VĂN THUẬT

Hiện nay, toàn TP vẫn còn 58 điểm ngập và trong ba cơn mưa lớn từ đầu năm 2011 đến nay, có những khu vực bị ngập sâu kéo dài đến hai ngày.

Nỗ lực không xuể

Từ những năm 1998, 1999, TP đã lên kế hoạch chống ngập cho toàn TP. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật (JICA) được chọn làm nhà nghiên cứu, lập Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước mưa và nước thải đô thị cho TP đến năm 2020. Cuối năm 1999, việc nghiên cứu, lập quy hoạch hoàn thành.

Quý I-2000, JICA có báo cáo cuối cùng cho TP và sau đó TP có báo cáo trình Chính phủ. Tháng 6-2001, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP theo kết quả nghiên cứu, khảo sát mà JICA đưa ra. Bản quy hoạch này chia TP thành năm lưu vực, kèm theo đó là các dự án được triển khai đồng loạt. Tuy nhiên, ngoài chuyện ngán ngẩm chuyện kẹt xe do “lô cốt”, cứ sau mỗi cơn mưa thì hàng loạt tuyến đường vẫn bị ngập. Dân TP nhăn nhó: Càng chống càng ngập!

Tháng 12-2005, tại kỳ họp HĐND TP, các đại biểu đã đặt vấn đề: Tại sao các điểm ngập phát sinh liên tục? Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, trả lời: Chờ đến năm 2008, khi hoàn tất dự án thoát nước các hệ thống kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm, Tàu Hủ-kênh Đôi -kênh Tẻ, Tham Lương-Bến Cát... thì TP mới hết ngập.

Tuy nhiên, đến nay chỉ mới lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé được làm xong và vận hành. Riêng lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè mới vận hành được 20% trên hệ thống; Tân Hóa-Lò Gốm cũng chỉ mới thông được 10% so với mục đích đề ra.

Theo kế hoạch trước đây của JICA đưa ra, toàn bộ các lưu vực chống ngập cho TP sẽ hoàn thành trong thời gian 10 năm. Đã hơn 10 năm, nhiều lưu vực vẫn còn thi công dở dang.

Năm 2008, trước tình hình biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng làm đỉnh triều cường ngày càng cao, HĐND TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề về đề án chống ngập thủy lợi. Đề án này chia lộ trình thực hiện làm ba giai đoạn với tổng vốn đầu tư là 7.200 tỉ đồng, thực hiện trong ba năm. Đề án này có hai nội dung là chống ngập do triều cường và hỗ trợ các hệ thống chống ngập do mưa. Nhưng cũng tại một cuộc họp này, khi Bộ NN&PTNT thuyết trình về mục tiêu và quy mô của bản quy hoạch, một đại diện của tổ nghiên cứu chống ngập nói thẳng: “Đừng ngộ nhận sau khi triển khai quy hoạch chống ngập, TP sẽ hết ngập”. Ông Trịnh Công Vấn, khi ấy là tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi II - thành viên nhóm nghiên cứu, cũng lưu ý: “Còn phải xem năng lực, hệ thống cống thoát nước của TP nữa…”.

Thay đổi hệ thống cống chính

Theo kết quả khảo sát của JICA, tình hình mưa từ năm 2001 trở về trước, những cơn mưa có vũ lượng lớn xuất hiện rất ít. Cụ thể là ba năm mới xuất hiện một cơn mưa có vũ lượng 85,36 mm và năm năm mới xuất hiện một trận mưa có vũ lượng 95,91 mm. JICA bèn đưa ra tần suất thiết kế cho các tuyến cống chính (thải trực tiếp ra kênh, rạch) tương ứng chu kỳ ngập lụt ba năm xuất hiện một lần.

Cũng theo tính toán của JICA từ năm 1990 đến lúc nghiên cứu lập dự án, đỉnh triều tại cửa sông Sài Gòn cao nhất chỉ là 1,32 m. Để thoát nước cho mỗi lưu vực, ngoài việc cải tạo hệ thống cống thoát nước cũ vốn chỉ đủ năng lực thoát nước mưa 40 mm, hệ thống cống chính được thay mới có năng lực thoát nước cho những cơn mưa đạt vũ lượng 85,36 mm; những cơn mưa ba năm mới xuất hiện một lần và gặp đỉnh triều cường 1,32 m.

Vậy nhưng ngập vẫn hoàn ngập, tại sao? Bên cạnh các lý do TP đang lún dần, thi công công trình tắc trách làm tắc dòng chảy còn nguyên nhân sâu xa nào khác?

“Hồi trước, mưa xuống là sợ”

10 năm vã mồ hôi chống ngập ảnh 2

Mấy năm về trước khu vực Chợ Lớn, bùng binh Cây Gõ là một địa chỉ đen mà người dân ở các quận này ai cũng phải sợ mỗi khi đến mùa mưa (ảnh: HTD). Những tuyến đường gần khu vực Bến xe Chợ Lớn như Lê Quang Sung, Nguyễn Thị Nhỏ… (phường 2, quận 6) chỉ cần có mưa xuất hiện khoảng 15 phút là nước ngập lên quá đầu gối.

Anh TRẦN NGỌC QUANG,
ngụ 113 Phan Văn Khỏe, phường 2, quận 6

Từ năm 2000 đến 2004, khu vực Bến xe Chợ Lớn, bùng binh Cây Gõ, các đường Châu Văn Liêm, Hồng Bàng… ngập thê thảm mỗi khi trời đổ mưa. Có hôm tôi đi làm về ngang qua trước tòa nhà Thuận Kiều Plaza, nước ngập khiến cả chiếc xe máy chìm nghỉm trong nước, tưởng như mình đang bơi trên lộ.

Anh LÊ VIẾT QUÝ, người từng ở trọ gần chợ Trần Chánh Chiếu, phường 14, quận 5

Đến khổ với ông nhà thầu

Đầu năm 2010, toàn TP có 96 điểm ngập. Trung tâm Chống ngập xóa được 53 điểm thì một số nhà thầu thi công tắc trách gây ra thêm 15 điểm ngập mới. Đầu năm 2011 đến nay, TP xuất hiện thêm 12 điểm ngập mới do một số nhà thầu thi công chặn dòng chảy gây ra. Dẫu biết do điều kiện thi công chật hẹp nên gây khó khăn cho nhà thầu nhưng chính việc thi công cẩu thả đã gây ra các điểm ngập mới này.

Ông ĐỖ TẤN LONG,Trưởng ban Quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP

VĂN THUẬT

Kỳ tới: Chỉ tại số liệu lạc hậu!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm