100.000 tỉ đồng thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Chiều 13-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay mục tiêu đến năm 2025 của chương trình là phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Cùng thời điểm này, cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, TP trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, TP trực thuộc trung ương có ít nhất hai đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.

Với cấp tỉnh, mục tiêu là cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Chương trình cũng đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do cấp tỉnh quy định.

Theo Tờ trình của Chính phủ, giai đoạn 2021-2025, cần bố trí cho chương trình là 51.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán của Hội đồng thẩm định nhà nước, tổng vốn ngân sách trung ương dự kiến sẽ bố trí được gần 40.000 tỉ đồng, bằng gần 63% số vốn dành cho chương trình trong giai đoạn 2016-2020…

Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, khả năng bố trí ngân sách nhà nước để tăng chi ngân sách nói chung, tăng chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng sẽ khó khăn. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán lại số liệu để bảo đảm nguồn lực ngân sách trung ương được bố trí hợp lý trên cơ sở chú trọng các nguyên tắc và thứ tự ưu tiên.

Trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự kiến bố trí 100.000 tỉ đồng để thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 50.000 tỉ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 30.000 tỉ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững 20.000 tỉ đồng. 

Trong nhiều chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025, Chính phủ xác định phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia.

Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo tăng 20%-25%/năm; bình quân mỗi năm có 500.000 hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm