13 quy trình kiểm tra, kỷ luật đảng

Các quy trình này được phân theo nhiều loại. Chẳng hạn theo đối tượng kiểm tra có đảng viên, tổ chức đảng. Theo công đoạn, bước làm thì có quy trình giải quyết tố cáo; quy trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; quy trình xem xét, thi hành kỷ luật theo kết luận kiểm tra hoặc theo đề nghị thi hành kỷ luật; quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng. Theo tính chất, nghiệp vụ thì có quy trình kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; quy trình kiểm tra việc thi hành kỷ luật đảng; quy trình kiểm tra tài chính đảng…

Nhìn chung, mỗi quy trình này đều gồm ba bước chuẩn bị, tiến hành, kết thúc. Trong đó thẩm quyền quyết định có kiểm tra hay không và kế hoạch kiểm tra thế nào thuộc về Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, gồm chủ nhiệm và các phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Các đoàn kiểm tra được thành lập đều do một phó chủ nhiệm chịu trách nhiệm chỉ đạo. Kết quả kiểm tra, giải quyết đều phải báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương để tập thể gồm chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, các ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, kết luận.

Các kết luận, quyết định hay báo cáo, đề nghị sau khi được tập thể Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, kết luận đều phải do Thường trực Ủy ban ký, ban hành. Ủy viên Ủy ban chịu trách nhiệm giám sát việc chấp hành kết luận, quyết định kỷ luật của Ủy ban và cấp trên ban hành.

Nhìn chung việc kiểm tra, kỷ luật đảng có hai bước chính. Đầu tiên là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật, tài chính đảng, hoặc giải quyết tố cáo. Nếu có sai phạm đến mức phải kỷ luật thì chuyển sang bước xem xét, thi hành kỷ luật. Tùy trường hợp mà thẩm quyền quyết định thi hành kỷ luật là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương hoặc tổ chức đảng cấp dưới…

Các quy trình kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng này được sửa đổi trên cơ sở 13 quy trình ban hành từ năm 2012.

Một cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết các quy trình này có một số sửa đổi, bổ sung mang tính kỹ thuật, trong đó đáng chú ý là sau mỗi cuộc kiểm tra, đoàn sẽ họp rút kinh nghiệm và có nhận xét, đánh giá bằng văn bản về ưu, khuyết điểm của từng thành viên đoàn để gửi các đơn vị có cán bộ tham gia đoàn.

Đây là các quy trình nghiệp vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trên cơ sở này, Ủy ban Kiểm tra các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương ban hành quy trình kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng thuộc thẩm quyền của cấp mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm