160 người chưa được làm hộ khẩu

160 người gốc Campuchia qua Việt Nam trú tại ấp 3, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi (TP.HCM) vừa được nhập quốc tịch Việt Nam theo Quyết định 559/QĐ-CTN của Chủ tịch nước ngày 7-5-2010. Sau khi nhận quyết định tại Sở Tư pháp TP vào tháng 7 vừa qua, họ đã được Sở hướng dẫn liên hệ với UBND và công an địa phương để thực hiện các thủ tục đề nghị cấp các loại giấy tờ hộ tịch, giấy tờ tùy thân (hộ khẩu, chứng minh nhân dân…).

Tuy nhiên, ông Trần Hoàng Phúc (ấp 3, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) cho biết khi ông liên hệ với một người trong UBND xã thì được trả lời rằng việc nhập hộ khẩu phải tiếp tục chờ mà không giải thích vì sao. “Khi được nhập quốc tịch, mọi người ai nấy đều vui mừng vì sắp được làm hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Có rất nhiều người đã đến nhờ tôi viết giùm các giấy tờ cần kê khai, xác nhận để hoàn tất hồ sơ nhập hộ khẩu. Tuy nhiên, đến nay những hồ sơ đó vẫn chưa thể được gửi đi…” - ông Phúc nói.

160 người chưa được làm hộ khẩu ảnh 1

Ngay sau khi nhận được quyết định nhập quốc tịch Việt Nam, hầu hết người dân đã nhờ người viết giùm các giấy tờ cần kê khai, xác nhận để hoàn tất hồ sơ nhập hộ khẩu. Trong ảnh: Ông Trần Hoàng Phúc với chồng hồ sơ đã viết xong mà chưa thể gửi đi vì chưa thể xác nhận tình trạng nhà ở. Ảnh: N.NAM

Không giấy tờ tùy thân, người trẻ thì khó khăn trong việc đi làm hay đứng tên chủ quyền một chiếc xe máy, còn người lớn tuổi thì không có cơ hội được mua bảo hiểm y tế để phòng khi trái gió trở trời. Hầu hết người dân ở đây do trình độ học vấn thấp, mới hết phổ thông mà lại không có giấy tờ tùy thân nên khó xin được công việc ổn định. Đa số họ phải làm mướn theo thời vụ như lái xe, rửa chén, phụ hồ, công nhân làm túi nhựa gia công… “Hoặc nhiều khi chúng tôi muốn đi chơi xa cũng khó vì không có giấy chứng minh nhân dân thì ai cho vào nghỉ trọ qua đêm” - ông Phúc phân trần.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các hộ dân này đang vướng giấy tờ xác nhận tình trạng nhà ở. Công văn ngày 20-9 của công an huyện gửi UBND huyện Củ Chi nêu rõ các hộ này đang cư ngụ trong “nhà trại thuộc đất công, hiện chưa có chính sách rõ ràng trong việc cấp, bán hoặc cho thuê nhà”.

Để có cơ sở giải quyết đăng ký hộ khẩu cho những người vừa được nhập quốc tịch, Công an huyện Củ Chi đã cử cán bộ liên hệ với UBND và Công an xã Phạm Văn Cội khảo sát về thực trạng cư trú và nhà ở của những người dân này. Nhà trại là những căn nhà thuộc trại tị nạn 979E được thành lập năm 1985 thuộc địa bàn xã Phạm Văn Cội. Trại chia làm ba lô gồm 96 căn nhà với diện tích mỗi căn 33 m2. Ban quản lý trại do TP đưa xuống. Khoảng năm 1993, ban quản lý trại giải thể, hồ sơ từng hộ trong trại hiện công an xã lưu trữ. Riêng tình trạng nhà ở trong trại, qua trao đổi với UBND xã thì khi giải thể ban quản lý trại không có biên bản bàn giao đơn vị nào tiếp quản.

Cuối tháng 9, chủ tịch UBND huyện Củ Chi đã có văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Phòng Công thương, Công an huyện và UBND xã Phạm Văn Cội khảo sát hiện trạng thực tế trại 979E thuộc ấp 3. Báo cáo đề xuất đến Thường trực UBND huyện sau 45 ngày làm việc.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng Công an huyện Củ Chi, cho biết: “Ngành công an cũng muốn nhanh chóng nhập hộ khẩu cho những người dân này để dễ dàng trong việc quản lý con người. UBND huyện cũng rất quan tâm đến vấn đề này và đã có chỉ đạo để giải quyết. Trong tháng 11 này sẽ có kết quả”.

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm