2 tỉnh giảm 106 đơn vị hành chính cấp xã

Chiều 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp xem xét, quyết định việc sắp xếp, mở rộng, thành lập các đơn vị hành chính (ĐVHC) tại các tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Ninh.

Theo đó, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự họp biểu quyết tán thành các đề án sắp xếp trên.

Ông Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra các đề án.

Trước đó, báo cáo thẩm tra nội dung này, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thông tin về đề án của tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, Ủy ban tán thành phương án sắp xếp 146 ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa để hình thành 70 đơn vị cấp xã mới (giảm 76 ĐVHC). Ủy ban cũng tán thành phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của tỉnh Thanh Hóa theo đề án.

Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với việc thành lập thị trấn Nưa trên cơ sở nguyên trạng xã Tân Ninh thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Về đề án của tỉnh Hải Dương, Ủy ban Pháp luật tán thành phương án sắp xếp 55 ĐVHC cấp xã của tỉnh để hình thành 25 ĐVHC cấp xã mới (giảm 30 ĐVHC). Đồng thời tán thành với việc thành lập hai phường Nam Đồng, Tân Hưng và mở rộng địa giới hành chính TP Hải Dương.

Về đề án của tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Pháp luật tán thành việc thành lập ba phường thuộc TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ba xã Hòa Long, Kim Chân và Nam Sơn thuộc TP Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, cho rằng một số ĐVHC sau khi sáp nhập, có diện tích tự nhiên rất lớn, việc quản lý sẽ gặp khó khăn. “Trong điều kiện thực tế quản lý, trình độ cán bộ, cơ sở hạ tầng hiện nay chúng ta cần xem xét để đảm bảo tính khả thi. Bởi nếu nhập vào, sau này lại xin tách ra rất tốn kém và không phù hợp” - ông nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng băn khoăn về tên gọi một số xã, việc sắp xếp bộ máy sau khi sáp nhập…

Kết luận, ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, tán thành các đề án Chính phủ trình. Ông đề nghị Chính phủ lưu ý đến vấn đề bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ, công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách ở những ĐVHC liên quan đến việc sắp xếp.

“Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho người dân về con dấu, giấy tờ, không gây xáo trộn lớn đến đời sống của nhân dân trên địa bàn. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong triển khai việc sắp xếp các ĐVHC...” - phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.