2020-2024: TP.HCM không tăng giá đất

Sáng 15-1, HĐND TP.HCM đã tổ chức kỳ họp bất thường để thông qua bảng giá các loại đất trên địa bàn TP năm 2020. Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND đã thống nhất thông qua bảng giá đất năm 2020 với tinh thần giữ nguyên bảng giá đất cũ ban hành năm 2014, đồng thời hệ số điều chỉnh giá đất cũng được giữ nguyên như trước.

Sau khi HĐND thông qua, UBND TP sẽ ban hành quyết định quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2024 để áp dụng theo quy định.

Không tăng giá, chỉ bổ sung, cập nhật

Đọc tờ trình trước HĐND, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96/2019 về khung giá đất thay thế cho Nghị định 104/2014. Theo nghị định mới, khung giá đất cơ bản vẫn được giữ nguyên như cũ. Do đó, bảng giá các loại đất trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2024 vẫn giữ nguyên như Quyết định 51 của UBND TP ban hành năm 2014. Bảng giá đất mới chỉ cập nhật và bổ sung một số vấn đề mà bảng giá đất năm 2019 chưa đề cập đến.

Cụ thể, theo bảng giá đất mới thì giá đất ở đô thị cao nhất của TP vẫn là 162 triệu đồng/m2 tại các tuyến đường trung tâm TP như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… Giá đất ở đô thị thấp nhất trên địa bàn TP là 1,5 triệu đồng/m2. Giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở liền kề; giá đất kinh doanh, sản xuất phi nông nghiệp không phải là thương mại dịch vụ, đất y tế, đất giáo dục, đất nghĩa trang, nghĩa địa… bằng 60% giá đất ở liền kề.

Đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư bằng 150% giá đất nông nghiệp cùng loại trong khu vực. Đối với đất nông nghiệp khác được tính bằng giá của loại đất nông nghiệp liền kề. Trường hợp không có giá liền kề thì tính bằng giá đất của loại đất nông nghiệp trước khi chuyển sang loại đất nông nghiệp khác.

Cũng theo bảng giá đất mới, đất ở sẽ có 3.427 đoạn đường, tuyến đường (tăng 142 tuyến so với bảng giá đất năm 2014). Trong đó có sự thay đổi, điều chỉnh 445 tuyến đường; bổ sung 364 tuyến đường, đoạn đường tại 15 quận, huyện; bổ sung giá đất 34 tuyến đường trong khu công nghệ cao; loại bỏ ra khỏi bảng giá đất 262 tuyến đường.

Giá đất thực tế trên thị trường ở các quận, huyện vùng ven như Bình Chánh, quận 9…(TP.HCM) tăng cao so với bảng giá đất 2015. Ảnh: HTD

Giá thị trường cao nhất 800 triệu/m2

Theo tờ trình, cơ sở dữ liệu để đưa ra giá đất mới là từ hơn 9.600 phiếu thu thập thông tin giá đất trên các tuyến đường. Ngoài ra, thông tin còn thu thập từ khoảng 400.000 bất động sản giao dịch thành công tại các chi cục thuế.

Cũng theo tờ trình, giá đất thực tế trên thị trường hiện nay cao nhất ở 19 quận là 800 triệu đồng/m2, thuộc các tuyến đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ. Mức giá cao nhất ở năm huyện là 120 triệu đồng/m2, thuộc khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh.

So sánh với kết quả điều tra giá thị trường khi xây dựng bảng giá đất năm 2015 thì giá thị trường năm 2018, 2019 tăng. Cụ thể, đối với mức giá tối thiểu, tỉ lệ tăng giá bình quân là 200%; mức giá trung bình, tỉ lệ tăng giá là 142%; mức giá tối đa, tỉ lệ tăng là 101%.

Trong đó mức độ tăng giá tập trung ở các quận 2, 7, 8, 9, 12, Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ.

Hai huyện được xem là có tỉ lệ tăng giá bình quân tương ứng rất cao là Hóc Môn (mức giá tối thiểu, tỉ lệ tăng bình quân là 167%; mức giá trung bình, tỉ lệ tăng là 650% và mức giá tối đa, tỉ lệ tăng 131%) và Củ Chi (tương ứng lần lượt là 118%-300% và 339%).

Mục đích của việc ban hành bảng giá đất

1. Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức đất ở.

2. Tính thuế sử dụng đất.

3. Tính phí và lệ phí trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai.

4. Tính tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

5. Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai.

6. Tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước trong trường hợp đất trả lại là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm