40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC (17-2-1979 – 17-2-2019)

3 điều quan trọng rút ra từ cuộc chiến

“Kỷ niệm sự kiện lịch sử này chính là dịp làm sáng tỏ nguyên nhân thực của cuộc chiến, đồng thời Nhà nước và nhân dân tri ân đối với biết bao chiến sĩ và đồng bào đã chiến đấu, hy sinh dũng cảm trên các chiến trường để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” - GS Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã đặt vấn đề như vậy vào dịp 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

“Phản kích tự vệ” là chiêu bài biện minh

. Phóng viên: 40 năm kể từ khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc nổ ra, nay có độ lùi lịch sử, ông nhìn nhận thế nào?

GSVũ Dương Ninh

+ GS Vũ Dương Ninh: Mờ sáng 17-2-1979, 60 vạn quân Trung Quốc (TQ) đồng loạt vượt đường biên giới dài tới 1.400 km, tấn công sáu tỉnh phía Bắc Việt Nam gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), Lai Châu. Dù TQ có biện minh dưới chiêu bài “phản kích tự vệ” nhưng về thực chất, đây là hành động phi nghĩa của TQ khi họ xua quân tấn công một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

. Ngoài những tổn thất to lớn về con người và vật lực, theo ông cuộc chiến này đã gây ra hậu quả gì ?

+ Mặc dầu phía TQ tuyên bố rút quân ngày 14-3-1979 nhưng trên thực tế cuộc chiến còn kéo dài tới mấy năm sau nữa. Đặc biệt ác liệt là mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) vào mùa hè năm 1984.

Cuộc chiến này để lại nhiều hậu quả nặng nề về vật chất và tinh thần cho nhân dân hai nước, khắc sâu một vết hằn trong lịch sử quan hệ lâu đời giữa hai nước láng giềng.

. Theo ông, thời điểm đó, tại sao giới cầm quyền TQ lại gây chiến?

+ Nhìn trên bình diện quốc tế có thể thấy được năm nguyên nhân. Thứ nhất, TQ coi Việt Nam như một trở ngại trên con đường bành trướng xuống Đông Nam Á. Thứ hai, sự thất bại của chế độ diệt chủng Pol Pot là đòn giáng nặng nề vào ý đồ bành trướng. Ý đồ lôi kéo chủ lực của Việt Nam từ vùng Tây Nam lên chống đỡ ở phía Bắc không đạt được vì quân dân Việt Nam đã sẵn sàng chiến đấu trên cả hai miền đất nước. Thứ ba, họ tính đến những vấn đề đối nội và đối ngoại nhằm mục tiêu ổn định bên trong và bành trướng bên ngoài. Thứ tư, nhằm tạo cớ cô lập Việt Nam và gây ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Cuối cùng, cái đích chính TQ muốn nhằm tới là lôi kéo Mỹ chống Liên Xô, đồng thời tranh thủ nguồn đầu tư và kỹ thuật từ Mỹ phục vụ công cuộc cải cách trong nước…

. Sau khi trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1975) không bao lâu, Việt Nam phải đương đầu tiếp với các cuộc chiến khác, trong đó có cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trên đây. Thực tế ấy nói lên điều gì?

+ Nó báo hiệu sự chuyển dịch quan trọng trong quan hệ quốc tế. Việc cùng ý thức hệ không còn là sợi dây gắn kết các nước trong khuôn khổ của “trật tự hai cực”, mà nhân tố chi phối chủ yếu là lợi ích quốc gia. Vấn đề lợi ích quốc gia phải được xem xét trên bình diện quốc tế để nhận thức sớm những biến động trong quan hệ giữa các nước và nhờ đó đề ra những quyết sách đúng đắn.

Bảo vệ lợi ích quốc gia trong sự hòa đồng với lợi ích chung của thế giới là điều cốt lõi trong đường lối mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển luôn là nhân tố cơ bản bảo đảm sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước.

Thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tại Nghĩa trang liệt sĩ phường Nam Cường, TP Lào Cai. Ảnh: plo.vn

Không mơ hồ, tỉnh táo khi xử lý

. Biên giới trên đất liền đã bình yên nhưng chủ quyền của ta trên biển Đông vẫn luôn phải đối mặt với các nguy cơ xâm lấn của các thế lực ngoại bang, theo ông kinh nghiệm rút ra ở đây là gì?

+ Sự toàn vẹn lãnh thổ trên biển Đông nổi lên thành thách thức nghiêm trọng và lâu dài. Theo tôi, cùng với việc củng cố thực lực về chính trị và kinh tế, tăng cường lực lượng quốc phòng, việc xử lý đúng đắn quan hệ đối ngoại có ý nghĩa rất quan trọng.

Chúng ta không được mơ hồ rơi vào cái bẫy “cùng ý thức hệ”, không cực đoan trong xử lý từng vụ việc va chạm, rất cần một sự tỉnh táo trong việc đánh giá tình hình thế giới và ý đồ của các nước lớn.

Cùng đó ta phải tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế bằng những chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta phải giữ thế cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, đồng thời tận dụng những lợi ích chung của các nước trong khu vực để nâng cao tiềm lực giữ gìn các phần lãnh thổ trên biển Đông.

Cần có một chương riêng trong sách giáo khoa

. Ông từng là đồng chủ biên cuốn sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, lúc đó ông trăn trở về cách thể hiện cuộc chiến biên giới phía Bắc trong giáo dục phổ thông sao cho phù hợp. Vậy theo ông nên thế nào?

+ Trong sách giáo khoa phổ thông, sự kiện lịch sử này đã được đề cập. Nhưng nay chúng ta đang biên soạn bộ sách mới, tôi cho rằng cần bổ sung tường tận hơn để thế hệ hôm nay và mai sau không lơ là tinh thần cảnh giác, nâng cao trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Sách giáo khoa mới nên có một chương riêng về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới đất liền và hải đảo, trong đó đề cập cả các cuộc chiến ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

GS Vũ Dương Ninh là chủ biên cuốn sách Biên giới trên đất liền Việt Nam - TQ và là tác giả của cuốn chuyên khảo Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam (1940-2010)Cách mạng Việt Nam trên bàn cờ quốc tế - Lịch sử và vấn đề.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.