3 tỉnh miền Trung dời gần 50 ngàn dân tránh bão

Lúc 21 giờ ngày 10-11, trả lời Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, thành viên Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, nhận định: Bão số 6 sẽ đổ bộ vào khu vực nam Phú Yên, bắc Khánh Hòa khoảng 22 giờ cùng ngày.

Thứ trưởng Hiệp nhận định: Khi đổ bộ, bão sẽ giảm còn cấp 8 (60-90 km/giờ) nhưng vùng gió giật mạnh có bán kính rất rộng.

Lũ lên nhanh ở khu vực miền Trung

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (trung tâm), sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 6 sẽ suy yếu dần thành vùng áp thấp. Đến chiều 11-11, vùng áp thấp nằm ở khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia.

Từ chiều 10-11, sóng biển cao 4-6 m liên tục ập vào bờ biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, sóng biển cao 4-8 m, biển động rất mạnh.

Trên đất liền, từ trưa 10-11, khu vực Bình Định đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 100-300 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm. Theo trung tâm, từ hôm nay (11-11), các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Nhơn, TP Quy Nhơn của Bình Định; các huyện Sơn Hòa, Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An, Sông Hinh, TP Tuy Hòa của Phú Yên và Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, khu vực đèo Khánh Lê, TP Nha Trang của Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên sẽ hứng một đợt lũ lớn.

Tỉnh Đắk Lắk đã ra công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6, mưa lũ gây ra để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Sau khi bão đổ bộ sẽ có mưa to, gây nguy cơ ngập lụt trên diện rộng. Theo dự báo, cấp độ rủi ro thiên tai do bão là cấp 3 (cấp 4 là cao nhất).

Xe bọc thép BRDM-2 sẵn sàng ứng cứu khi  xảy ra sự cố bão, lũ. Ảnh: H.HIẾU

Dân Phú Yên tránh bảo. Ảnh: TẤN LỘC

Bộ đội giúp dân chằng cột tàu thuyền.

Phú Yên ra biển cưỡng chế dân trên các lồng bè vào nơi trú tránh.

Huy động quân đội vào ứng cứu

Thông tin từ Ban Phòng, chống lụt bão các tỉnh, đến 17 giờ ngày 10-11, Bình Định di dời hơn 10.000 người dân, Phú Yên hơn 36.000 người, Quảng Ngãi là hơn 10.000 người ra khỏi nơi nguy hiểm, đến trú tránh vào những nơi an toàn.

Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã lập hai trạm chỉ huy tiền phương tại tỉnh Bình Định và Quảng Nam để kịp thời ứng phó giúp dân.

Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết quân đội đã huy động trên 250.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, 2.300 phương tiện trên đất liền, trên 150 tàu thuyền ứng trực trên biển.

Đặc biệt, Quân khu 5 đã huy động 10 xe bọc thép BRDM-2 chia ra ở nhiều địa phương để sẵn sàng chờ lệnh ứng cứu dân trong tình huống xấu khi bão số 6 đổ bộ.

Xe bọc thép BRDM-2 được đánh giá cao trong tác chiến cơ động, chở quân và trinh sát chiến trường. BRDM-2 có trọng lượng gần 10 tấn, có khả năng chuyên chở tới 20 người cùng hàng hóa. Xe này lội nước tốt, cơ động cao để vào các vùng nguy hiểm, bị chia cắt.

Tại Bình Định, các lực lượng vũ trang của tỉnh đã xuống giúp dân làm kè chống bão tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn).

Tại Phú Yên, tỉnh huy động gần như toàn bộ hệ thống chính trị vào việc phòng, chống bão. Ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho hay: Toàn huyện căng mình chống bão.

Do ảnh hưởng nước dâng và sóng lớn, khu vực ven biển các huyện Đông Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu, TP Tuy Hòa của Phú Yên có nguy cơ xảy ra xâm thực bờ biển gây sạt lở nghiêm trọng. Dự báo đến ngày 12-11, Phú Yên xuất hiện một đợt lũ ở mức báo động ba gây nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt trên diện rộng…

Trước đó Phú Yên đã lập hai đoàn đến vùng nuôi thủy sản vịnh Vũng Rô để cưỡng chế các hộ dân nuôi cá bè vào vùng trú tránh. Tỉnh sử dụng tàu quân sự, canô loại lớn, tàu đặc chủng để thực hiện việc cưỡng chế và làm nhiệm vụ ứng cứu.

6.300 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng 3.400 phương tiện ứng trực ở các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế đến Bà Rịa-Vũng Tàu sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân khi có tình huống xảy ra. 

Theo ông Phạm Đại Dương, Phó Chủ tịch tỉnh, địa phương đã chuẩn bị lực lượng hơn 3.000 người cùng hàng chục phương tiện chuyên dụng để sẵn sàng đi làm nhiệm vụ ứng cứu, giúp đỡ người dân trong và sau bão, ứng cứu với lũ lớn…

Còn tại Quảng Ngãi, từ trưa 10-11, tỉnh di dời, sơ tán hơn 10.000 dân đến nơi an toàn theo cách di dời xen ghép từ những nhà không kiên cố đến những nhà kiên cố và nhiều điểm di dân tập trung. Tỉnh cũng huy động lực lượng sẵn sàng ứng phó tại các vùng xung yếu.

Huyện đảo Lý Sơn từ sáng 10-11 mưa kéo dài, gió giật cấp 9. Lực lượng bộ đội biên phòng túc trực sẵn sàng ứng phó với bão.

Ở Khánh Hòa, các tàu đánh bắt thủy sản, các tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác không được ra khơi, cáp treo Vinpearl Land đã ngưng hoạt động từ ngày 10-11.

Ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo UBND tỉnh đã đến huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Khánh Hòa cũng cương quyết di dời hộ dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi trú tránh an toàn.

Trong sáng 10-11, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai tiếp tục họp với các bộ, ngành và cơ quan chức năng chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 6.

• Chằng mái nhà chống bão, bị điện giật chết. Sáng 10-11, ông Nguyễn Minh Hưởng (ngụ xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, Phú Yên) leo lên mái nhà dùng dây thép chằng chống nhà cửa để ứng phó bão số 6. Không may, ông Hưởng chạm phải chỗ rò điện của đường dây bơm nước, bị điện giật chết tại chỗ.

Hàng không hủy chuyến. Từ trưa 10-11, một số sân bay khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã thông báo hủy, điều chỉnh lịch khai thác các chuyến bay đến 12 giờ hôm nay (11-11) do bão số 6.

VietJet cho biết ngừng khai thác các chuyến bay nội địa có máy bay đáp và rời đi ở các sân bay Quy Nhơn, Nha Trang, Chu Lai, Tuy Hòa. Các chuyến bay quốc tế VJ837 chặng Seoul (Hàn Quốc) - Nha Trang và VJ607 chặng Nha Trang - TP.HCM ngày 11-11. hãng này điều chỉnh giờ bay của các chuyến bay trên.

Vietnam Airlines cũng hủy sáu chuyến bay trong chiều và tối 10-11 gồm VN1384, VN1385 giữa TP.HCM và Đà Lạt; VN1603 giữa Hà Nội và Buôn Ma Thuột; VN1915, VN1914 giữa Đà Nẵng và Buôn Ma Thuột; VN1415 giữa Buôn Ma Thuột và TP.HCM.

Còn Jetstar Pacific cũng cho biết hủy thêm hai chuyến bay tối 10-11 gồm BL686, BL687 giữa TP.HCM và Đà Nẵng.

Bamboo Airways cũng xác nhận thay đổi lịch hai chuyến bay đi/đến sân bay Cam Ranh và hủy khai thác hai chuyến bay đến/đi sân bay Vinh (Nghệ An) trong ngày 10-11.

Đại diện các hãng cho hay hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng bởi bão sẽ được hãng hỗ trợ theo quy định.

• Nhà nghỉ cho người dân ở miễn phí. Tại Bình Định, chủ nhà nghỉ Hồng Hoa, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn đã mở cửa để đón người dân khó khăn đến trú bão miễn phí, lo cho họ ăn uống. Nhà nghỉ có 15 phòng. Người ở địa phương, gia đình có người già và trẻ nhỏ di chuyển khó khăn đến tránh bão sẽ được ưu tiên. “Nếu người nào có nhu cầu nhưng khó khăn về phương tiện thì mình sẽ đến tận nơi để chở. Mọi người cứ gọi vào số điện thoại 0348378219 để tôi đến đón” - chủ nhà nghỉ nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm