36 cổng hạn chế ô tô vào trung tâm TP.HCM

Sở GTVT TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP cho phép triển khai thử nghiệm dự án thu phí ô tô tự động vào khu vực quận 1 và 3 nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe ở khu vực này.

Hạn chế ô tô, “xả” xe máy

Theo tờ trình, dự án dự kiến xây dựng hệ thống thu phí tự động trên vành đai khép kín “phủ” toàn vùng quận 1, 3. Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD, đơn vị được UBND TP giao nghiên cứu, đề xuất dự án), đề xuất xây dựng 36 cổng thu phí trên các tuyến đường bao quanh quận 1, 3 và vùng giáp ranh với quận 5, 10. Các tuyến đường này gồm: Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với Cách Mạng Tháng Tám), Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt và Tôn Đức Thắng. Tại các cổng này sẽ lắp đặt các thiết bị tính phí và camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe.

Theo ông Quân, hiện xe máy là phương tiện đi lại chính của người dân TP (chiếm khoảng 80%), vì vậy các giải pháp hạn chế, thu phí xe máy trong thời điểm hiện nay là không khả thi bởi lượng người sử dụng quá đông, khó kiểm soát. Mặt khác, nếu người dân không đi lại bằng xe máy thì có xu hướng chuyển sang xe buýt. Trong khi đó, xe buýt hiện chỉ phục vụ với tỉ lệ rất thấp (khoảng 7%), lại còn bị xuống cấp, đến hạn phải thay mới hàng loạt.

“Chỉ một tỉ lệ thấp người dân bỏ xe máy, chuyển sang đi xe buýt thì hệ thống xe buýt sẽ không thể đáp ứng nổi. Vì vậy, để hạn chế xe cá nhân phải có lộ trình và đối tượng thích hợp cần thực hiện trước là xe ô tô. Biện pháp thu phí xe ô tô không những hạn chế được kẹt xe mà còn tạo được nguồn thu cho ngân sách, phục vụ cho việc phát triển giao thông công cộng” - ông Quân nêu.

Tổng vốn đầu tư của dự án gần 1.200 tỉ đồng, trong đó chi phí mua sắm thiết bị cao nhất, hơn 1.000 tỉ đồng.

36 cổng hạn chế ô tô vào trung tâm TP.HCM ảnh 1

Xe ô tô dày đặc tại khu trung tâm quận 1. Ảnh: MP

BOT hay BTO?

Hiện về cơ bản, các sở, ngành đã đồng ý kiến nghị UBND TP xem xét, cho phép triển khai thực hiện dự án. ITD đề xuất mức thu 30.000 đồng/lượt đối với xe ô tô du lịch và 50.000 đồng/lượt đối với các loại xe còn lại và có thể điều chỉnh tùy thuộc vào giờ cao điểm hay thấp điểm. Việc thu phí thực hiện từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, trong vòng hai năm đã có thể hoàn vốn đầu tư. Tuy nhiên, giữa các cơ quan chức năng với đơn vị nghiên cứu, đề xuất dự án vẫn chưa thống nhất hình thức đầu tư.

ITD kiến nghị đầu tư theo hình thức BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh). “Đầu tư theo hình thức BTO thì đơn vị nắm quyền vận hành, khai thác là UBND TP nên sẽ chủ động điều chỉnh cho thích hợp với mục đích hạn chế kẹt xe. Mặt khác, số tiền thu phí sẽ được thu về cho ngân sách TP rồi mới hoàn trả lại chi phí cho nhà đầu tư. Phương thức đầu tư BTO còn dễ được dư luận chấp nhận so với BOT” - ông Quân nhận xét.

Tuy nhiên, Sở GTVT đề xuất đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) mà không chọn hình thức BTO vì đây là phương thức đầu tư chưa có tiền lệ; mặt khác, đơn vị này còn e ngại các số liệu, tính toán của ITD không chính xác, có thể dẫn đến tình trạng “ế ẩm” như cầu Phú Mỹ hiện nay. Sở GTVT kiến nghị UBND TP tạm thời chưa thông qua phần dự toán chi phí cũng như tổng mức đầu tư mà phần này sẽ được đàm phán, xem xét cụ thể trong giai đoạn đàm phán hợp đồng.

Sở GTVT dự kiến thời gian bắt đầu thí điểm dự án là trong năm 2011 hoặc 2012. Dù nhận xét dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội như cải thiện ùn tắc, giảm kẹt xe, ô nhiễm, bổ sung nguồn thu cho ngân sách… nhưng Sở GTVT vẫn kiến nghị cần phải báo cáo, giải trình trước HĐND TP và các tổ chức chính trị, xã hội để có sự thống nhất và đồng thuận của dư luận. Bởi đây là dự án tác động lớn đến cuộc sống người dân, gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau.

Diễn tiến phương án thu phí xe ô tô ở TP.HCM

Tháng 10-2008, TP.HCM đề xuất dùng biện pháp tài chính thu phí lưu hành đối với ô tô để chống ùn tắc nhưng bị Bộ Tài chính “bác” vì không khả thi. Tháng 10-2009, ITD đề xuất thu phí xe ô tô theo mô hình của Singapore trình UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương. Trước đề xuất này, dư luận tỏ ra không đồng tình bởi tính khả thi không cao. Tháng 12-2009, UBND TP.HCM chính thức giao cho ITD nghiên cứu lập dự án thu phí xe ô tô vào trung tâm TP.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm