“600 người vận hành 13 km đường sắt là phù hợp”

Ban Quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) vừa thông báo kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nhân lực để vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (dài 13 km, dự kiến khai thác từ cuối năm 2015). Nhiều ý kiến băn khoăn liệu việc sử dụng hơn 600 người để vận hành tuyến đường sắt dài 13 km có lãng phí nhân lực?

. Phóng viên: Thông tin chủ đầu tư sẽ tuyển dụng, đào tạo hơn 600 nhân lực để vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chính xác không, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông): Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được thi công gấp rút để kịp khai thác vào cuối năm 2015. Ngoài phần thi công, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để vận hành tuyến đường cũng đang được triển khai.

Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội, lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/giờ. Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ thành lập một công ty quản lý khai thác đường sắt đô thị. Dự kiến công ty cần hơn 600 người cho bộ máy lãnh đạo, các phòng ban chuyên môn, các trung tâm vận tải, kiểm tra, sửa chữa… Khi Hà Nội có thêm các tuyến đường sắt đô thị khác, công ty này cũng sẽ chịu trách nhiệm vận hành, khai thác.

. Ông có thể nói rõ hơn về công việc cụ thể của những người này?

+ Có 87 nhân viên quản lý điều hành chung thuộc 12 phòng chức năng. Số nhân viên vận hành là 594 người, gồm các bộ phận điều độ, lái tàu, nhà ga, sửa chữa công trình… Trong số này có 201 người (gồm 37 lái tàu) được cử đi đào tạo tại Trung Quốc từ cuối tháng 9-2014, số còn lại sẽ đào tạo trong nước. Toàn bộ chi phí đào tạo nằm trong kinh phí của dự án.

. Ông nghĩ gì khi dư luận cho rằng cần hơn 600 người để vận hành 13 km đường sắt là lãng phí nhân lực?

+ Kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được tính toán kỹ, có tham khảo công nghệ vận hành đường sắt đô thị của nhiều nước tiên tiến.

Trung Quốc có công nghệ đường sắt đô thị rất phát triển và dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang sử dụng công nghệ của họ. Theo tiêu chuẩn quốc gia của nước này, để vận hành tuyến metro đầu tiên cần khoảng 100 người/km. Con số đó ở Nhật là khoảng 50-55 người/km. Như vậy, dự kiến tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cần trung bình 52,4 người/km là phù hợp quy chuẩn của những nước có công nghệ đường sắt tiên tiến.

TRỌNG PHÚ

 Dự án được đầu tư từ nguồn vốn vay của chính phủ Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 8.770 tỉ đồng (tương đương 552,86 triệu USD). Dự án có chiều dài 13,05 km đường sắt trên cao với 12 nhà ga; đường sắt đôi, khổ 1,435 m cho tốc độ chạy tàu tối đa 80 km/giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm