82 giờ đối diện với tử thần trong hầm

Nụ cười, ánh mắt rạng rỡ luôn thường trực niềm vui trên gương mặt của một người vừa từ cõi chết trở về, anh Phạm Xuân Đăng (50 tuổi, quê Vĩnh Phúc) liên tục nhận được điện thoại hỏi thăm của người thân, gia đình ở quê, đặc biệt là khi nói chuyện với vợ, anh luôn động viên: “Anh khỏe rồi, em cứ yên tâm, đừng lo lắng gì nữa”.

“Nếu không chạy kịp có lẽ em đã chết ngay lúc đó”

Là một trong những công nhân lớn tuổi nhất trong số người gặp nạn và cũng là người có tuổi nghề cao nhất, anh Đăng đã theo Công ty Sông Đà làm tại các công trình thủy điện từ năm 1985 đến nay với chuyên môn chính là lắp ráp hệ thống điện, sửa chữa máy móc. Vì hoàn cảnh khó khăn, để vợ và hai người con ở quê, anh Đăng theo hết công trình này đến công trình khác như Sông Đà, Yaly…, có khi nửa năm mới về quê một lần.

Có mặt từ ngày đầu tiên khi hay tin anh trai gặp nạn, anh Phạm Anh Tuấn (40 tuổi) dõi theo từng giây phút ở ngoài cửa hầm, luôn lo sợ phấp phỏm, cứ nghĩ anh Đăng là người lớn tuổi nhất có lẽ sức khỏe yếu nhất. “Khi anh tôi được đưa ra cuối cùng trong tình trạng khỏe mạnh, tỉnh táo, anh hồi phục sức khỏe nhanh chóng nên ai cũng thấy thần kỳ. Hỏi anh sao lớn tuổi nhất mà lại được đưa ra cuối cùng, anh nói anh nhường những anh em khác ra trước vì anh phải ra cuối cùng để còn ngắt hệ thống điện” - anh Tuấn tự hào khi nói về anh trai ở thời khắc sinh tử nhưng vẫn lo nghĩ cho sự an toàn của người khác.

Trong số 12 nạn nhân, chỉ có anh Nguyễn Văn Quang (19 tuổi, quê Nam Định) bị thương, xây xát ở đầu. Ngày thứ ba ở trong hầm, một lần leo xuống khỏi máy trộn bê tông để đi lấy thức ăn, vì không nhìn thấy gì nên anh trượt chân ngã, đầu va xuống đất. Ngay trong tối 19-12, khi vừa được cứu khỏi hầm, anh Quang đã tỉnh táo kể lại những thời khắc từ lúc hầm bị sập. Anh Quang kể hôm xảy ra sự cố anh là người chứng kiến đầu tiên, lúc đang làm bên trong hầm thì thấy chân hầm chỗ máy xúc đất đang làm việc sụt xuống, tiếp theo đó đất đá đổ ầm ầm nên anh vội hô lên và cùng những công nhân khác nháo nhào chạy vào bên trong. “Nếu không chạy kịp có lẽ em đã chết ngay lúc đó” - anh Quang nhớ lại giây phút cận kề sự sống chết.

Đèn điện tối om, nước từ trên nóc hầm rỉ xuống và nước ở dưới dâng lên mỗi ngày cứ cao thêm nửa mét, đến ngày thứ ba thì nước đã dâng lên gần tới cổ, may mắn là có một máy trộn bê tông ở trong hầm nên những người gặp nạn đã leo lên máy chen chúc nhau ngồi.

Anh Phạm Xuân Đăng (áo trắng), là người lớn tuổi nhất trong số các công nhân gặp nạn, vui mừng chia sẻ với những người thân. Anh là người được cứu ra cuối cùng vì còn nghĩ đến việc ngắt điện để người khác được an toàn.

Phải bơi 40 m đi lấy thức ăn

Các công nhân không ngạc nhiên lắm vì ngày đầu tiên đã nghe tiếng khoan ở bên ngoài nên biết đã được lực lượng ở bên ngoài ứng cứu. Ngay sau đó ở bên ngoài luồn ống thông hơi, ống truyền thức ăn vào bên trong. Mỗi lần ở ngoài kêu đi lấy thức ăn là các công nhân cử một người đi lấy, đặc biệt chị Ngọc là nữ duy nhất nên được nhường không phải đi. “Để đến chỗ lấy thức ăn phải đi qua đoạn hầm dài khoảng 40 m, ai đi phải cởi quần áo bơi qua đoạn nước ngập, lấy mũ bảo hộ hứng thức ăn rồi đem vào cho anh em khác, mỗi lúc bơi qua bơi lại vào thì rét run” - anh Quang kể.

Trong số 12 công nhân bị kẹt trong hầm, có anh Hoàng Đình Thịnh (18 tuổi, quê Nam Định) là người yếu nhất vì vốn có tiền sử bị bệnh hen. Vừa học xong cấp III, Thịnh được người bà con cùng quê giới thiệu vào làm ở công trình thủy điện Đạ Dâng, mới làm được khoảng một tháng thì gặp sự cố. Ngày đầu tiên hầm sập, vì thiếu ánh sáng, không khí, lại kèm nỗi lo sợ nên Thịnh bị lên cơn hen khó thở, nước mắt nước mũi chảy dài, Thịnh chỉ biết chạy ra ống thông hơi kêu gào cầu cứu bên ngoài truyền ôxy vào để thở. Thấy Thịnh nguy kịch nên những anh em khác cũng chạy ra kêu cứu qua ống thông hơi và rất may khí ôxy đã được lực lượng cứu hộ bên ngoài chuẩn bị sẵn truyền kịp thổi vào cho Thịnh thở. Mấy ngày sau cũng có vài lần Thịnh lên cơn hen, mỗi lần như thế Thịnh lại ra hít thở ôxy nên sức khỏe trở lại bình thường.

Thời khắc lực lượng công binh đào thông hầm đến cứu các nạn nhân, anh Nguyễn Văn Hường (30 tuổi, quê Nam Định) không tranh thủ chạy thoát ra ngoài trước mà vẫn lo lắng, cõng anh Thịnh ra ngoài. “Vì sức khỏe em Thịnh mệt hơn, lại bị bệnh suyễn nên tôi phải cõng ra, lúc đó phải lội nước lạnh một đoạn mới tới chỗ các anh bộ đội, tôi sợ em Thịnh nhiễm nước lạnh lại lên cơn bệnh nên cõng ra cửa hầm thì giao cho các anh bộ đội đỡ giúp” - anh Hường hồn nhiên kể lại thời điểm anh không nhanh chân chạy ra khỏi hầm mà còn giúp anh em khác dù trước đó anh luôn mong được ra khỏi hầm sớm lúc nào hay lúc đó.

Nước dâng cao, tuyệt vọng bắt đầu kéo đến

“Giờ tôi vẫn còn run lắm, tim vẫn đập ầm ầm, có khi không muốn nhớ lại những giờ phút đã trải qua ở trong hầm chỉ có bóng tối đen kịt bao trùm ngày cũng như đêm”. Sáng 20-12, dù sức khỏe đã ổn nhưng tinh thần anh Hoàng Ánh Sơn vẫn chưa hết bàng hoàng. Còn anh Nhữ Văn Trường (23 tuổi, quê Hà Nam) thì nhớ lại: “Em đang ở sâu trong hầm đặt máy nén khí thì thấy mọi người nháo nhào chạy xuống, đèn điện tắt hết”.

Tuy nhiên, đa số tinh thần các nạn nhân bắt đầu hoảng sợ, nản chí hơn khi đến ngày thứ ba mà vẫn chưa được cứu ra. Anh Nguyễn Văn Quang cho biết: “Mấy ngày ở trong hầm, nhờ có đèn pin điện thoại nên thỉnh thoảng mọi người lấy ra dùng những lúc cần thiết, tuy nhiên đến ngày thứ ba pin điện thoại của ai cũng hết sạch. Lúc đó nước mỗi lúc một dâng cao khiến nỗi chán nản, tuyệt vọng bắt đầu kéo đến trong tâm trí mọi người”.

Anh Nguyễn Văn Hường còn tếu táo kể: “Tôi nghe tiếng máy móc khoan bên ngoài thì cứ đinh ninh trong lòng kiểu gì mình và các anh em cũng được cứu ra. Nhưng cũng có lúc buổi sáng cứ nghe sắp được cứu nhưng đến chiều hỏi lại nói đến mai thì lại lo, có lúc tôi đã nghĩ nếu nước cứ dâng mà không được cứu ra kịp thì anh em chết chung cũng không có vấn đề gì”.

Chị ĐẶNG THỊ HỒNG NGỌC, nạn nhân nữ duy nhất:

“Cận kề cái chết, tôi luôn nghĩ về con”

Nằm tại phòng hồi sức cấp cứu với sức khỏe còn yếu, chị Đặng Thị Hồng Ngọc, nạn nhân nữ duy nhất vụ sập hầm, rơi nước mắt thều thào nói những ngày ở trong hầm cận kề cái chết, chị luôn nghĩ về con, lỡ chị gặp chuyện không may thì tội nghiệp cho con vì cháu còn quá nhỏ. Chiều 19-12, khi lực lượng công binh đào thông hầm, chị Ngọc được những anh em khác dìu ra bên ngoài, quá xúc động vì được gặp chồng, gặp người thân, cộng với sức khỏe yếu sau những ngày ở trong hầm nên chị Ngọc gần như ngất, phải được cấp cứu tại chỗ ổn định rồi mới được đưa về bệnh viện tiếp tục hồi sức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm