ACB và VietinBank đổ trách nhiệm cho nhau

Hôm qua (23-5), Huỳnh Thị Huyền Như (người lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng và bị TAND TP.HCM xử sơ thẩm phạt tù chung thân) đã xuất hiện tại phiên tòa xử vụ án bầu Kiên với vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. HĐXX tập trung làm rõ Huyền Như đã dùng thủ đoạn gì để chiếm đoạt 718 tỉ đồng mà Ngân hàng ACB đã ủy thác cho các nhân viên của mình gửi vào VietinBank.

Huyền Như: Do ACB sơ hở

Tại tòa, kế toán trưởng của ACB Nguyễn Văn Hòa khai thực hiện nghị quyết của HĐQT, Hòa đã ký hợp đồng ủy thác cho 19 nhân viên ACB, làm thủ tục ứng tiền qua tài khoản cho các nhân viên để họ làm thủ tục gửi tiền. Hòa khai đã giao toàn quyền cho Huỳnh Thị Bảo Ngọc (phó phòng Quản lý quỹ) liên hệ với các ngân hàng (trong đó có VietinBank) để nắm thông tin về lãi suất, kỳ hạn và hoa hồng của từng ngân hàng.

Tiếp đó, Huyền Như khai: Giữa năm 2011, Ngọc có điện thoại nói muốn gửi tiền với lãi suất thỏa thuận, nếu VietinBank đáp ứng được sẽ gửi. “Chị Ngọc đưa ra lãi suất trong hợp đồng là 14%, chênh lệch 3%-5%. Lúc đó ngân hàng chưa có chủ trương huy động vượt trần lãi suất. Tôi đàm phán với chị Ngọc, trích tiền tại tài khoản cá nhân của tôi ở VietinBank để chuyển cho chị Ngọc. Chị Ngọc cung cấp CMND của nhân viên để lập tài khoản. Có lúc họ đến văn phòng ký, có lúc tôi gom các hợp đồng gửi cho chị Ngọc” - Như khai.

Huỳnh Thị Huyền Như đang trả lời trước tòa trong phiên xử vụ án bầu Kiên. Ảnh: TL

Tòa hỏi: “Tại sao tự bỏ tiền ra trả hoa hồng?”. Huyền Như trả lời: “Thời điểm đó lãnh đạo VietinBank rất tuân thủ Thông tư 02 (năm 2011, về lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài - PV). Tôi đang cần tiền sử dụng cho nhu cầu cá nhân, tôi buộc phải dùng tiền của tôi để trả hoa hồng cho khách. Lúc đó chứng khoán, bất động sản thua lỗ, tôi nợ một số cá nhân, đơn vị số tiền vài trăm tỉ đồng”.

Như khai tiếp: “Ngay từ lúc đầu đàm phán, mở tài khoản và thực hiện các giao dịch thì các khách hàng cá nhân (lúc đó tôi không biết đó là nhóm khách hàng của ACB) đã chưa thực hiện đầy đủ các quyền của mình theo quy định. Hoặc có thể thực tế không phải tiền túi của người ta nên người ta không quan tâm, không cần biết thủ tục thế nào, người ta chỉ làm hoàn tất thủ tục sau đó không theo dõi nữa nên đã tạo sơ hở cho tôi. Tất cả tiền khách hàng không trực tiếp tới gửi ngân hàng mà chỉ thông qua tôi, trong khi tôi đã có ý định chiếm đoạt từ trước…”.

“Sau khi tiền về tài khoản, chủ tài khoản có quyền kiểm tra số dư của tài khoản đã gửi đến, nếu phát hiện tài khoản sử dụng sai mục đích thì báo lại ngân hàng. Nhưng phía khách hàng không có động thái đó. Tôi đã lập sổ tiết kiệm, chuyển tiền vào tài khoản, sau đó tôi tự tất toán để chuyển tiền đi thông qua các hợp đồng giả…” - Như khai thêm.

HĐXX hỏi đại diện VietinBank về 32 hợp đồng có dấu của chi nhánh TP.HCM. Vị này thừa nhận 32 hợp đồng này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và VietinBank. Tuy nhiên, những hợp đồng này chỉ mang tính nguyên tắc, không phát sinh hiệu lực. Thực tế là các giao dịch sau đó hoàn toàn không tuân thủ theo hợp đồng. “Chính vì ACB buông lỏng quản lý mới dẫn đến tình trạng để Như lợi dụng các kẽ hở chiếm đoạt tài sản của ACB. VietinBank khẳng định không chiếm đoạt nên không chịu trách nhiệm về việc mất tiền của ACB. Ai thực hiện hành vi phạm tội thì người đó phải có trách nhiệm bồi thường” - vị này cho biết.

Bầu Kiên: VietinBank phải chịu trách nhiệm

Trong khi đó, đại diện của ACB kiến nghị: “Tôi nhận thấy có một nội dung quan trọng chưa được thẩm vấn. VietinBank cho rằng ACB lỏng lẻo nên Huyền Như lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt 718 tỉ đồng. Nhưng sơ hở này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây mất tiền. Hành vi trực tiếp là (Huyền Như) ký giả chữ ký của chủ tài khoản và hành vi (VietinBank) không kiểm soát, dẫn đến việc không phát hiện được chữ ký giả để Huyền Như rút tiền; hành vi cho vay trên cơ sở bộ hồ sơ thế chấp giả của VietinBank để Huyền Như làm thủ tục vay chưa được làm rõ. Mong HĐXX làm rõ thêm tình tiết này”.

“Quan điểm hiện nay của ông là ACB có mất tiền không?” - tòa hỏi. Đại diện ACB: “ACB cho rằng hiện yêu cầu của ACB đối với VietinBank về số tiền nói trên chưa được phán quyết bởi một quyết định có hiệu lực pháp luật. ACB vẫn xem đây là yêu cầu với VietinBank. ACB vẫn đề nghị VietinBank phải chịu trách nhiệm về số tiền này”.

Trước khi HĐXX chuyển sang thẩm vấn nội dung khác, bầu Kiên xin phép có ý kiến.

“Đại diện VietinBank và Huyền Như đã nói sai bản chất sự việc. Các nhân viên ACB không giao dịch với cá nhân Huyền Như mà giao dịch với quyền trưởng phòng thuộc Chi nhánh VietinBank TP.HCM Huỳnh Thị Huyền Như. Đây là hành vi được thực hiện giữa các nhân viên ACB (với tư cách là thể nhân) với một tổ chức có đầy đủ thẩm quyền là chi nhánh VietinBank. Do vậy, hợp đồng giữa nhân viên ACB ký với chi nhánh VietinBank thì VietinBank phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Với kinh nghiệm của người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực ngân hàng, tôi thấy rằng đây là hoạt động tiền gửi của các nhân viên ACB tại VietinBank. VietinBank có trách nhiệm hạch toán theo đúng quy định của NHNN. VietinBank là ngân hàng lớn, được quản lý chặt chẽ bởi hệ thống công nghệ thông tin, mọi giao dịch được thể hiện trên sổ cái. Nếu VietinBank nói không biết thì có một việc rất dễ dàng kiểm tra là đề nghị cơ quan điều tra lấy lại bộ mật mã của VietinBank tại thời điểm VietinBank mở tài khoản giao dịch. Các giao dịch được chuyển đổi thế nào, lệnh ra sao… đều được thể hiện ở bộ phần mềm này. Tôi tin rằng không ai ở VietinBank có thể xóa được phần mềm này” - bầu Kiên nói.

“Tôi khẳng định tất cả giao dịch này đều được quản lý của VietinBank biết và chịu trách nhiệm về các giao dịch. VietinBank đừng đánh lận giữa việc chủ tài khoản khi thực thi các giao dịch, nếu để xảy ra sai sót mới phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, các chủ tài khoản đều không thực thi các giao dịch đó, mà các giao dịch đó là giao dịch gian lận do nhân viên của VietinBank gây ra. Theo quy định, các giao dịch của nhân viên mình gây ra, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm” - bầu Kiên khẳng định.

Cũng trong ngày 23-5, HĐXX thẩm vấn để làm rõ về hành vi đầu tư mua cổ phiếu ACB gây thiệt hại cho ACB 687 tỉ đồng. Hôm nay (thứ Bảy, 24-5), tòa tiếp tục làm việc.

THU NGUYỆT

 

ACB là một trong những ngân hàng bị mất tiền nhiều nhất trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng (mà TAND TP.HCM mới xử gần đây, tuyên Huyền Như tù chung thân). Từ 8-10-2010 đến 27-9-2011, Như đã huy động vốn từ các nhân viên của ACB hơn 1.100 tỉ đồng và chiếm đoạt gần 719 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra xác định Như huy động gần 669 tỉ đồng đứng tên 17 nhân viên của ACB gửi vào VietinBank Chi nhánh TP.HCM với lãi suất thỏa thuận hợp đồng là 14%/năm, lãi chênh lệch ngoài hợp đồng 3,8%-4,5%/năm.

Như yêu cầu các nhân viên ACB mở tài khoản thanh toán tại VietinBank Chi nhánh TP.HCM. Từ đề xuất của Như, lãnh đạo VietinBank Chi nhánh TP.HCM đã ký 32 hợp đồng tiền gửi với 17 nhân viên ACB, lãi suất 14%/năm. Sau khi 17 nhân viên ACB đã nộp 669 tỉ đồng vào Ngân hàng VietinBank, Như đã giao hợp đồng cho họ nhưng không giao thẻ tiết kiệm. Sau đó Như dùng 83 thẻ tiết kiệm và tài khoản tiết kiệm tiền gửi (trị giá hơn 533 tỉ đồng) làm tài sản bảo đảm cho các hợp đồng vay tiền giả, ký giả chữ ký của chủ thẻ với vai trò người bảo lãnh, người đứng tên vay và nhờ người thân đứng tên vay 514 tỉ đồng tại hai phòng giao dịch VietinBank Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng. 16 thẻ tiết kiệm còn lại Như làm giả 16 lệnh chi, ký giả chữ ký của các chủ tài khoản để chuyển từ tài khoản tiền gửi tiết kiệm của các cá nhân này mở tại VietinBank sang trả một phần nợ cho khoản vay 514 tỉ đồng vừa đề cập…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm