An Giang xác định nông nghiệp là 'trụ đỡ' trong phục hồi và phát triển kinh tế

Ngày 17-11, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết vừa ký ban hành kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh với 14 lĩnh vực trọng tâm.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đã tác động rất nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nhiều tỉnh, thành cả nước nói chung và An Giang nói riêng.

Sau hơn gần 6 tháng thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ khác nhau để tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh, kinh tế tỉnh An Giang tăng trưởng rất chậm, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 ước chỉ đạt 2,15% thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước. Tính đến tối 16-11, An Giang đã ghi nhận 19.245 trường hợp nhiễm COVID-19. Việc mở cửa khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh để từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất cấp bách.  

Thực hiện mở cửa phục hồi kinh tế, An Giang kiên trì với mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” nhưng đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Nuôi cá tra ở An Giang. Ảnh: HD

An Giang xác định ngành nông nghiệp là “trụ đỡ” của tỉnh trong phục hồi và phát triển kinh tế trước, trong và sau dịch.

Theo đó ngành nông nghiệp xây dựng kịch bản, định hướng kế hoạch sản xuất nông nghiệp triển khai tới cấp xã đáp ứng 4 yếu tố gồm sản xuất theo chuỗi ngành hàng trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19; thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng theo yêu cầu thị trường và đảm bảo kết nối tiêu thụ. Trên cơ sở đó phát huy tối đa lợi thế của ngành nông nghiệp để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, bù đắp sự sụt giảm chỉ số tăng trưởng kinh tế.

Để thực hiện nhiệm vụ này, An Giang phải chuyển mạnh chăn nuôi sang hình thức trang trại, tăng cường tính liên kết giữa các gia trại vào tổ hợp tác hoặc hợp tác xã; Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trước mắt tập trung vào một số mặt hàng đang có nhu cầu lớn, giá trị cao để thu hút đầu tư.

Song song đó tỉnh sẽ có có những giải pháp hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu trong đại dịch trên địa bàn.  

Cạnh đó, tỉnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với doanh nghiệp theo các phương châm “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”, “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “Lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ”, lấy người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh làm trung tâm phục vụ, đồng thời là chủ thể tham gia phòng, chống dịch.

Loại bỏ triệt để tư duy quen biết, lợi ích nhóm

Trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh ngoài ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp, An Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng… Chủ tịch tỉnh giao UBND các nơi chủ động lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư trên địa bàn (không sử dụng vốn ngân sách) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư làm cơ sở để mời gọi nhà đầu tư thực hiện dự án, nhất là các dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị (trên 20ha hoặc trên 4.000 dân), các dự án xã hội hóa.

Tuy nhiên An Giang chủ trương chuyển trọng tâm từ các biện pháp hỗ trợ sang cơ chế kích cầu, khuyến khích sản xuất, kinh doanh để phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế bị tổn hại do đại dịch bằng cách ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ một cách linh hoạt, sáng tạo và phù hợp. Loại bỏ triệt để tư duy quen biết, lợi ích nhóm, làm trong sạch bộ máy công quyền, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch, công bằng cho tất cả nhà đầu tư. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm