HỌP BÁO SAU KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XIV

‘An ninh mạng là vấn đề thách thức toàn cầu’

Chiều 15-6, Tổng Thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc họp báo sau khi kết thúc kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV. Pháp Luật TP.HCMlược ghi nội dung được đặt ra tại cuộc họp báo này.

“Đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều vấn đề”

Phóng viên báo Thanh Niên đặt câu hỏi: “Kỳ họp thứ 5 có hai dự án gây sự chú ý là luật đặc khu và Luật An ninh mạng. Nhưng phản ứng của đại biểu (ĐB) QH và QH đối với hai dự luật này hoàn toàn khác nhau: Dừng luật đặc khu và thông qua Luật An ninh mạng với tỉ lệ tán thành rất cao. Tổng thư ký có thể giải thích rõ thêm về việc này?”.

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay bản chất hai luật này khác nhau. Luật An ninh mạng, sau khi QH đã có những trao đổi, có ý kiến, có phản hồi của các chuyên gia và cử tri, QH đã lắng nghe rất nhiều. Sau đó, cơ quan thẩm tra, soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý rất nhiều. Khi đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến ĐBQH rồi thì việc thông qua với tỉ lệ phiếu rất cao là điều đương nhiên thôi. Cái chính là chúng ta làm truyền thông để cử tri và người dân hiểu.

“Các ý kiến cho rằng khi Luật An ninh mạng được thông qua sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp (DN) hay quyền lợi của người dân thì không phải. Ngược lại, luật này chính là bảo vệ quyền lợi của DN và quyền lợi của người dân. Trong khi đó, liên quan đến luật đặc khu có rất nhiều vấn đề, rộng hơn Luật An ninh mạng rất nhiều, QH thấy rằng cần phải có thời gian trao đổi thôi” - ông Phúc nói.

Cùng về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho hay trong quá trình thẩm tra và giúp Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng, Ủy ban Quốc phòng An ninh đã hết sức lắng nghe ý kiến của cử tri, của các chuyên gia, đặc biệt là ý kiến của đại diện một số quốc gia như Mỹ, Úc, Liên minh châu Âu, các hiệp hội Internet viễn thông châu Á-Thái Bình Dương, ý kiến của các phóng viên, kể cả phóng viên nước ngoài.

Ông Hồng cho rằng nhiều vấn đề trong dự án luật Chính phủ trình đã được tiếp thu, chỉnh lý để đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng. Đây là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam (VN) chúng ta mà là thách thức mang tính toàn cầu…

Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Thanh Hồng đang trả lời báo chí tại cuộc họp báo. Ảnh: Đ.MINH

Với những lo lắng có ảnh hưởng đến các DN trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet... hay không, ông Hồng khẳng định hoàn toàn không có việc này. Đạo luật này tạo ra một cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, của các DN trong và ngoài nước.

“Nhiều phóng viên đặt câu hỏi với tôi là Google, Facebook có rời khỏi VN hay không thì cho tới thời điểm này, hai tập đoàn công nghệ lớn của thế giới vẫn chưa có bất kỳ phản hồi chính thức nào” - ông Hồng thông tin.

“Không cản trở công nghiệp số 4.0”

Liên quan đến băn khoăn việc Facebook, Google lo lắng khi đặt dữ liệu tại VN họ sẽ phát sinh thêm chi phí chuyển dữ liệu về đây và cũng sẽ ảnh hưởng đến các DN VN là đối tác của họ mà phóng viên hãng Reutres đặt ra, ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết: Trong Luật An ninh mạng có hai nội dung DN quan tâm. Thứ nhất là việc đặt máy chủ tại VN. Thứ hai là lưu trữ dữ liệu của người dùng VN tại VN. Đây là hai vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo ông Hồng, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh và số liệu chính thức mà Chính phủ cung cấp, hiện nay có 18 quốc gia đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng, nhất là mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu tại quốc gia đó.

Ví dụ về điều này, ông Hồng dẫn chứng tháng 5 vừa rồi, Liên minh châu Âu đã chính thức yêu cầu Facebook phải lưu trữ dữ liệu tại các nước của Liên minh châu Âu. Đây là yêu cầu cần thiết, vừa bảo vệ an ninh quốc gia, vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân đã được hiến pháp quy định.

“Trong luật thông qua lần này chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu của người dùng VN, của công dân VN tại VN, chủ yếu là thông tin cá nhân người dùng mà theo quy định của hiến pháp là quyền nhân thân được pháp luật bảo hộ, xem như là tài sản của công dân VN. Các DN nước ngoài hoặc các DN khác khi cung cấp dịch vụ có trách nhiệm phải bảo vệ bí mật của người dùng tại VN” - ông Hồng nhấn mạnh và nói: “Còn nói tác động tới kinh tế, cản trở công nghiệp số, công nghiệp 4.0, theo chúng tôi hoàn toàn không phải như vậy”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng AFP (Pháp): “Luật An ninh mạng quy định không được đăng tải những thông tin mang tính chống đối Nhà nước, vậy có phải luật này nhắm tới các đối tượng bất đồng chính kiến hay không?”, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: “Cái gì xâm phạm an ninh quốc gia thì đương nhiên là cấm. Ở nước nào cũng vậy thôi. Anh chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN VN thì đương nhiên phải ngăn chặn. Người nào vi phạm điều đó thì phải xử lý”.

“Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện dự án luật biểu tình”

Thanh Niên: Từ vụ việc ở Bình Thuận hay Khánh Hòa xảy ra vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần thiết có các luật hội và luật biểu tình - những luật đã được xây dựng từ lâu, thậm chí có luật tới hơn 10 năm như luật biểu tình nhưng vẫn chưa được đặt lên bàn các ĐBQH?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Ủy ban TVQH cũng rất quan tâm đến luật biểu tình. Năm 2016, khi xây dựng chương trình luật, pháp lệnh của năm 2017, Ủy ban TVQH đã đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện dự án luật này để báo cáo trình Ủy ban TVQH, QH cho ý kiến. Hiện nay, Chính phủ đang tích cực chuẩn bị. Đến khi nào Chính phủ hoàn thiện sẽ báo cáo Ủy ban TVQH và QH cho ý kiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm