Án xử xong, người thứ ba xuất hiện

Tòa Dân sự TAND Tối cao cho biết trong năm qua, có một số vụ án đã được giải quyết xong, bản án đã có hiệu lực nhưng có tòa lại thụ lý, giải quyết lại thành một vụ án mới, vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Giám đốc thẩm chứ không thụ lý vụ án mới

Theo Tòa Dân sự, đó thường là các vụ tòa đã giải quyết, công nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng nhà đất của nguyên đơn, buộc bị đơn giao lại nhà đất. Bản án, quyết định của tòa đã có hiệu lực pháp luật, do bị đơn không tự nguyện thi hành nên cơ quan thi hành án (THA) tổ chức cưỡng chế, giao nhà cho nguyên đơn. Lúc này, có người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án khiếu nại tranh chấp, không đồng ý với bản án, cho rằng nhà đất đó là của mình. Lẽ ra trong trường hợp này, nếu đề nghị của người thứ ba có cơ sở thì giải quyết lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chứ không được thụ lý thành một vụ án khác để giải quyết.

Chẳng hạn năm 2010, trong một vụ ly hôn, TAND một tỉnh xử phúc thẩm đã quyết định cho ông T. được sở hữu hai căn nhà và phải trả lại cho bà M. 30 lượng vàng. Do ông T. không tự nguyện THA nên cơ quan THA đã cưỡng chế, kê biên nhà. Sau đó, các con ông T. tranh chấp nhà đất này, cho đó là của mình và có xuất trình tài liệu, chứng cứ. Thay vì kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vụ ly hôn của ông T., TAND huyện lại thụ lý, giải quyết thành một vụ án khác.

Một dạng khác là tranh chấp đòi nợ, sau đó bên thua kiện bị kê biên nhà đất để đảm bảo THA thì nhà đất kê biên bị tranh chấp. Chẳng hạn ông A cho ông B vay 500 triệu đồng trong thời hạn một năm. Hết thời hạn, ông B không có tiền trả nên ông A khởi kiện ra tòa đòi lãi và gốc. Tòa xử buộc ông B trả nợ. Ông B không chịu THA nên cơ quan THA đã kê biên nhà đất. Lúc này, ông C đột ngột xuất hiện, tranh chấp nhà đất bị kê biên. Tòa lại thụ lý tranh chấp của ông C thành một vụ án khác vì cho rằng nhà đất này chưa được giải quyết tại bản án đòi nợ nói trên. Theo Tòa Dân sự, đây là một quan điểm không đúng.

Bảo hộ quyền sở hữu, quyền sử dụng

Mới đây, TAND Tối cao đã hủy bản án phúc thẩm về việc đình chỉ giải quyết vụ đòi lại tài sản thừa kế của bà Q., giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết lại theo thủ tục chung.

Theo một bản án, chồng bà Q. được chia 1/3 diện tích đất vườn, bà N. và ông M. sử dụng phần đất còn lại. Sau khi bản án này có hiệu lực, chồng bà Q. chưa nhận đất. Đến năm 1995, ông này mất. Do thời hạn yêu cầu THA đã hết nên bà Q. khởi kiện yêu cầu tòa buộc bà N. và ông M. trả đất. Tòa sơ thẩm thụ lý, giải quyết theo đúng thẩm quyền nhưng tòa phúc thẩm lại hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án với lý do thời hiệu yêu cầu THA đã hết.

Theo Tòa Dân sự, quan điểm cấp phúc thẩm trong vụ án này là sai. Cụ thể Điều 30 Luật THA dân sự quy định: “Trong thời hạn năm năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được THA, người phải THA có quyền yêu cầu cơ quan THA dân sự có thẩm quyền ra quyết định THA...”. Như vậy, hết thời hiệu THA thì đương sự không còn quyền THA nữa. Tuy nhiên, quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản được công nhận trong bản án, quyết định có hiệu lực vẫn được pháp luật bảo hộ. Điều 246 BLDS quy định quyền sở hữu có thể được xác lập căn cứ vào bản án, quyết định của tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. Do đó, khi hết thời hiệu yêu cầu THA thì đương sự vẫn có quyền khởi kiện đòi người đang quản lý tài sản, chiếm hữu tài sản trả lại cho mình. Tòa phải thụ lý và giải quyết theo đúng thủ tục chung.

Cạnh đó, Tòa Dân sự cũng lưu ý giấy viết tay tặng cho nhà đất là ý chí cuối cùng của người có tài sản, cần phải được các tòa chấp nhận. Bởi đã có trường hợp tòa cho rằng giấy tặng cho không hợp pháp về hình thức; người được tặng chưa sang tên, đăng ký; giấy tặng cho không phải là di chúc nên không chấp nhận việc tặng cho. Đây là cách giải quyết không chính xác, không phù hợp với ý chí của người có tài sản.

HOÀNG YẾN

 

Hai kiến nghị của Tòa Dân sự

Tòa Dân sự kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có hướng dẫn để áp dụng thống nhất trong các trường hợp còn nhiều tranh cãi sau:

Thứ nhất, khi giải quyết các vụ tranh chấp hợp đồng dân sự, đặc biệt mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có tòa tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết luôn hậu quả hợp đồng vô hiệu này nhưng cũng có tòa không giải quyết hậu quả mà tách ra giải quyết vụ án khác khi đương sự có yêu cầu. Cạnh đó, nhiều trường hợp người quản lý nhà đất có công quản lý, gìn giữ, tu bổ, phát triển tài sản, có tòa lại không xem xét giải quyết vì bị đơn không yêu cầu.

Thứ hai, cần có sự thống nhất trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng và quyền, nghĩa vụ của các thành viên hộ gia đình trong vụ án dân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm