Vụ MobiFone mua 95% AVG

‘Ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích nhà nước’

Từ đầu năm 2016, MobiFone đã chính thức thâu tóm, chi phối tuyệt đối AVG. AVG vốn đã lỗ nhiều năm từ khi thành lập. Khi được MobiFone mua 95% cổ phần, AVG (mảng truyền hình) được thay đổi tên gọi biểu tượng thành MobiTV. Tên gọi AVG mà chúng tôi đề cập trong bài chính là MobiTV. Trong hai năm 2016, 2017, AVG tiếp tục được xây dựng bằng nhiều cách để có lãi. Vậy thực tế diễn ra thế nào?

AVG lãi 54 tỉ, thực hư ra sao?

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), hoạt động chính của AVG là cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và vì thế hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào số lượng thuê bao. Tuy nhiên, số thuê bao của AVG qua từng năm cho thấy lượng thuê bao mỗi năm đều không như dự kiến.

Cụ thể, đến hết năm 2015, số thuê bao chỉ đạt 728.766, đạt 80,6% số kế hoạch đưa vào tính hiệu quả đầu tư dự án. Hết năm 2016 chỉ đạt 815.171 thuê bao, bằng 49,3% kế hoạch và hết năm 2017 đạt 725.732 thuê bao, bằng 28,4% kế hoạch.

Như vậy, số lượng thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền đạt được là rất thấp so với số dự kiến mà MobiFone đã đưa ra để tính hiệu quả kinh tế khi lập dự án đầu tư.

Tình hình là thế nhưng đến cuối năm 2016, MobiFone cho biết AVG đã có lãi 54 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi TTCP vào cuộc thì số lãi ít ỏi 54 tỉ đồng so với số vốn 8.900 tỉ đồng bỏ ra mua AVG đã được làm rõ.

Ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch HĐTV MobiFone.

Theo kết luận của TTCP, số tiền 54 tỉ đồng ấy không phải là do kinh doanh dịch vụ truyền hình mang lại mà chủ yếu là AVG được hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài.

Cụ thể gồm: Công ty Cổ phần An Viên B.P đã cho miễn lãi suất gần 50 tỉ đồng của các khoản vay với tổng số nợ 950 tỉ đồng (nợ năm trước chuyển sang 600 tỉ đồng được miễn lãi suất từ 10,5%/năm về 0%, cho vay thêm 350 tỉ đồng với lãi suất 0%). Cùng đó là phần ông Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch HĐQT AVG, thực hiện cam kết đưa về cho AVG một hợp đồng quảng cáo ký với một công ty kinh doanh bất động sản trị giá 25 tỉ đồng.

Ngoài ra, theo TTCP, MobiFone tức là công ty mẹ của AVG năm 2016 cũng ký với AVG hợp đồng có trị giá 21,6 tỉ đồng và phân chia cho AVG doanh thu dịch vụ 62,7 tỉ đồng. Tuy vậy, đến hết năm 2016, lỗ lũy kế của AVG vẫn là 1.909 tỉ đồng.

Bước sang năm 2017, nếu cứ theo kế hoạch của dự án mà MobiFone đã lập và Bộ TT&TT phê duyệt thì AVG sẽ phải lãi và tăng trưởng đột biến. Tuy vậy, báo cáo tài chính (chưa kiểm toán) của AVG thể hiện: Năm 2017 AVG lỗ 73,6 tỉ đồng, trong khi dự án do MobiFone lập thì dự trù lãi 156 tỉ đồng. Lỗ lũy kế của AVG đến hết năm 2017 là hơn 1.982 tỉ đồng.

AVG vốn đã lỗ từ năm 2010. Cụ thể: Năm 2010 lỗ 81,05 tỉ đồng, năm 2011 lỗ 196,127 tỉ đồng, năm 2012 lỗ 471,648 tỉ đồng, năm 2013 lỗ 473,270 tỉ đồng, năm 2014 lỗ 323,129 tỉ đồng và quý I-2015 lỗ 87,6 tỉ đồng. 

Không hiệu quả, còn giảm lợi nhuận

Những khoản lỗ nói trên của AVG thậm chí còn ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh của MobiFone. TTCP đã xem xét báo cáo tài chính năm 2016 của MobiFone và cho rằng thương vụ mua 95% cổ phần AVG chẳng những không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn làm giảm lợi nhuận hoạt động tài chính của MobiFone so với năm 2015 là 321,7 tỉ đồng.

Mặt khác, theo TTCP, số tiền hơn 8.889 tỉ đồng mà MobiFone bỏ ra mua AVG vừa làm chậm tiến độ cổ phần hóa MobiFone, vừa làm giảm lợi nhuận hợp nhất của MobiFone, ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính trong giai đoạn đang tiến hành thực hiện cổ phần hóa, dẫn đến giảm sức mua của các nhà đầu tư khi bán đấu giá cổ phần, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích nhà nước.

Điều đáng lưu ý là khi báo cáo với Thủ tướng về dự án này, Bộ TT&TT nói số vốn dùng để mua AVG có 70% là vốn vay. Nhưng thực chất MobiFone đã dùng tiền ngân sách để mua AVG.

AVG hoàn chuyển 450 tỉ đồng đầu tiên cho MobiFone

Liên quan đến thỏa thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng 95% cổ phần AVG mà nhóm cổ đông doanh nghiệp tư nhân này ký kết với MobiFone hôm 12-3, một nguồn tin cho hay MobiFone đã có văn bản đề nghị AVG tích cực triển khai.

Theo đó, MobiFone đề nghị ông Phạm Nhật Vũ thay mặt nhóm cổ đông AVG thể hiện thiện chí bằng việc hoàn trả ngay một phần giá trị hợp đồng đã thực hiện vào tài khoản chỉ định của MobiFone. Sau đó một ngày, ông Vũ đã đáp ứng đề nghị này, chuyển khoản cho MobiFone 450 tỉ đồng.

Như vậy, tính cả khoản 450 tỉ đồng MobiFone chưa thanh toán cho ông Vũ khi thực hiện hợp đồng mua bán cổ phần 2015, vừa rồi được ông Vũ chấp thuận đặt cọc cho thỏa thuận mới về hủy hợp đồng thì đến nay nhóm cổ đông AVG đã chuyển lại cho MobiFone 900 tỉ đồng trong tổng giá trị gần 8.900 tỉ đồng của thương vụ bị TTCP kết luận là có nhiều vi phạm này.

N.NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm