Áp thấp sẽ thành bão số 5 hướng vào Bình Định - Ninh Thuận

Sáng nay (29-10), Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão số 5.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy quốc gia, hồi 7h sáng nay (29-10), vị trí tâm ATNĐ cách bờ biển Bình Thuận khoảng 800km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 giật cấp 9.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: AH

Trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão (bão số 5). Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới di chuyển nhanh (15km/h) theo hướng tây tây bắc.

Đến 20h-21h tối 30-10, bão sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Bình Định - Ninh Thuận. Bão đổ bộ vào thời điểm mực nước triều đang lên, đạt cao độ 1,9m/2,3m (nước dâng). Đến 1h sáng 31-10, bão suy yếu thành ATNĐ trên khu vực các tỉnh Nam Trung bộ.

Nhận định về vùng ảnh hưởng của bão, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết đây là khu vực dân cư đông đúc, kinh tế phát triển, nhiều đô thị lớn và khu du lịch, nghỉ dưỡng, dọc dải ven biển và trên các đảo có khách du lịch trong nước và quốc tế.

Cạnh đó, kinh nghiệm ứng phó với bão của người dân còn hạn chế. Trước đó, khu vực này đã bị thiệt hại rất nặng nề về người, thuỷ sản do bão Damrey (bão số 12) năm 2017 và sạt lở đất, lũ quét do mưa lũ sau bão số 8 năm 2018.

Đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng cho biết, đến 6h sáng nay, vẫn còn 741 tàu/8.487 người đang hoạt động trong vùng nguy hiểm. Trong đó Đà Nẵng 2/13 lao động, Quảng Nam 48/1255 lao động, Quảng Ngãi 207/3217 lao động, Bình Định 40/398 lao động, Khánh Hòa 57/385 lao động, Bà Rịa-Vũng Tàu 387/3219 lao động.

Ngoài ra, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, khu vực có khả năng ảnh hưởng hiện có 144.111 ô lồng (tại Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận). 

Về tình hình sạt lở bờ biển, khu vực bờ biển từ Nghệ An đến Bình Thuận đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Ở Nam Trung bộ hiện có 24 hồ chứa xuống cấp hư hỏng và 34 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.

Tây Nguyên có 5 hồ chứa có cửa van đang xả tràn, 41 hồ chứa hư hỏng và 18 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng Ban thường trực về phòng chống thiên tai đánh giá, do ATNĐ hình thành ở dải hội tụ nhiệt đới tương tác với gió mùa Đông Bắc cùng những dị thường cực đoan khác như mưa, trọng tâm bão rơi vào trọng điểm địa hình Nam Trung bộ, là khu vực cực đoan về mưa bão nên không được chủ quan.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, dự báo chiều tối mai ATNĐ mạnh lên thành bão và đổ bộ, cần đề phòng sóng lớn ngoài biển, bão đổ bộ trùng với triều cường tại TP.HCM. 

Từ ngày mai, mưa lớn xảy ra diện rộng từ Thanh Hóa đến Vũng Tàu, từ đó xảy ra nguy cơ tai biến địa chất sạt lở, đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi thường xuyên, phân tích kỹ. Đặc biệt phải đảm bảo an toàn cho tuyến biển.

Tiếp tục kiểm tra thêm tình hình người và phương tiện trên biển. Có thông báo để các tỉnh đảm bảo an toàn về kinh tế biển, du lịch. Bộ GTVT thông báo cho tàu vãng lai. Các tỉnh chú ý hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn cho ngư dân và nuôi trồng sản xuất...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm