AVG - MobiFone thống nhất hủy hợp đồng chuyển nhượng

Cuộc họp đã đi đến một thỏa thuận, theo đó các bên thống nhất hủy bỏ “thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần” đã ký kết và thực hiện năm 2015. Các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Các cổ đông chuyển nhượng sẽ trả lại toàn bộ số tiền bán cổ phần đã được MobiFone thanh toán, đồng thời MobiFone sẽ hoàn rả các cổ đông số cổ phần, các tài sản của AVG mà MobiFone đã nhận chuyển nhượng, cũng như khoản lãi số tiền đã nhận theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Đây là thỏa thuận nguyên tắc bước đầu, và do đó các bên sẽ cùng thành lập ngay nhóm làm việc để thống nhất chi tiết việc triển khai hủy bỏ thỏa thuận 2015.

Cũng tại cuộc làm việc, ông Phạm Nhật Vũ – cổ đông chính của AVG cam kết không yêu cầu phạt, bồi thường với MobiFone do thỏa thuận 2015 bị hủy bỏ, đồng thời chấp nhận dùng khoản tiền 450 tỷ đồng mà MobiFone đang nợ mình để đặt cọc cho cam kết mới này.

Các nguồn tin tham dự cuộc làm việc đặc biệt này cho hay về bản chất, đây là cuộc thỏa thuận giữa hai doanh nghiệp, mà trực tiếp là cổ đông AVG – MobiFone. Sự có mặt của nhiều lãnh đạo bộ, đại diện các cục, vụ liên quan chủ yếu mang tính chứng kiến, bởi Bộ Thông tin và Truyền thông ngoài chức năng quản lý nhà nước còn là sở hữu chủ với phần vốn nhà nước tại MobiFone.

Cũng giống thương vụ chuyển nhượng 95% cổ phần AVG cho MobiFone trước đây phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông, các ban ngành liên quan, và còn phải báo cáo Thủ tướng, thì việc hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng này cũng sẽ phải thực hiện các bước tương tự. Thỏa thuận mới sẽ là cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo, đề xuất cũng như xin ý kiến Thủ tướng.

Trước đó, khi việc thương vụ này được thực hiện, đã có những ý kiến, đơn từ phản ánh, cho rằng có khoảng cách lớn giữa giá trị thật của AVG với số tiền mà MobiFone - một doanh nghiệp nhà nước giữ vốn lớn, và thậm chí có những nghi ngờ khác. 

Chính vì vậy, tháng 7-2016, Thường trực Ban Bí thư đã có văn bản đề nghị và Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện vụ mua bán cổ phần này. Cuộc thanh tra dự kiến kéo dài 50 ngày sau đó đã được triển khai, nhưng cho đến khi ông Phan Văn Sáu thôi chức tổng thanh tra vẫn chưa thể hoàn tất.

“Vụ việc phức tạp và thay vì chỉ một phó tổng thanh tra phụ trách thì đã phải đưa ra tập thể lãnh đạo để bàn bạc đến từng câu chữ. Vừa rồi, ông Lê Minh Khái kế nhiệm vị trí tổng thanh tra thì mới cơ bản hoàn thành dự thảo kết luận, để rồi báo cáo Ban Bí thư”, nguồn tin cho hay.

Cuộc họp đầu tháng 3 này, Ban Bí thư đã nghe Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả việc thanh tra. Tin phát ra chính thức cho hay Ban Bí thư đánh giá đây là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, và Thanh tra Chính phủ đã có nhiều cố gắng tiến hành thanh tra toàn diện. Ban Bí thư đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra, sớm công bố kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

Cũng trong cuộc họp này, theo tin phát, Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác, theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát.

Các nguồn tin chứng kiến thỏa thuận mới giữa AVG - MobiFone hôm qua cho hay ông Phạm Nhật Vũ, chủ chính cũng là người có tiếng nói quyết định về phía AVG trong thương vụ này, giải thích lý do đồng ý hủy thỏa thuận 2015 là do nay đã đủ nguồn lực để triển khai các hoạt động ấp ủ từ lâu của mình, nên sẵn sàng nhận lại số cổ phần đã bán.

“Có thể các cổ đông AVG tìm được nguồn lực mới để triển khai hoạt động truyền hình, hoặc thậm chí có thể tìm được đối tác mới để chuyển nhượng cổ phần, thay vì bán cho MobiFone gây nhiều tranh cãi”, nguồn tin bình luận.

Bản chất kinh tế của thỏa thuận 2018 này còn cần tiếp tục được phân tích. Nhưng về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, đầu mối quan trọng trong thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư cũng như của Thường trực Chính phủ thì những gì AVG - MobiFone thống nhất nguyên tắc ngày 12-3 sẽ giúp triển khai nội dung chỉ đạo quan trong của Ban Bí thư, là “thu hồi tài sản nhà nước”.

“Các bên hoàn trả nhau phần đã nhận được tức là phục hồi nguyên trạng về mặt kinh tế. Còn đúng sai, trách nhiệm thế nào thì vẫn phải đợi kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ”, nguồn tin cho biết.

Theo quy trình chung, với cuộc thanh tra có tính chất đặc biệt như thế này, Thanh tra Chính phủ sau khi hoàn tất kết luận thanh tra sẽ phải báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng, thậm chí Thường trực Chính phủ. Sau đó mới công bố kết luận tới đối tượng bị thanh tra, và rồi mới công khai kết quả với công chúng.

Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM cuối tuần trước, một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho hay: “Sẽ sớm hoàn thành thôi”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm