Ba cơ sở pháp lý định tội danh bác sĩ Cát Tường

Trước đó, khi chưa tìm thấy xác chị Huyền, tháng 4-2013, TAND TP.Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử bị cáo Nguyễn Mạnh Tường về hai tội danh Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốtVi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

Tuy nhiên, vụ án sau đó phải trả hồ sơ, điều tra bổ sung vì tòa nhận thấy có một số vấn đề chuyên môn cần phải làm rõ.

Từ việc tìm thấy xác nạn nhân, xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Huyền là do đâu, trên cơ sở đó mới định tội danh đối với bị cáo Tường chính xác được.

Chúng tôi đã có trao đổi với TS Phan Anh Tuấn – Trưởng Bộ môn Luật Hình sự (Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh). TS Tuấn đã đưa ra 3 giả thuyết.

TS Phan Anh Tuấn 

Giả thuyết thứ nhất: nếu kết quả giám định cho rằng nạn nhân chết trước khi bị ném xuống sông thì có hai khả năng xảy ra:

Thứ nhất, bị cáo Tường trong quá trình thực hiện thẩm mỹ trái phép đã vô ý làm chết người thì bị cáo Tường chỉ phạm tội Vi phạm qui định về dịch vụ y tế khác theo Điều 242 BLHS. Trong trường hợp này cần lưu ý: Bị cáo Tường không có hành vi vi phạm qui định về khám, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc. Điều 242 BLHS là một điều luật qui định nhiều tội danh, do đó cần định tội danh chính xác đối với bị cáo Tường.

Ngoài ra, theo tôi, bị cáo Tường không phạm tội xâm phạm thi thể người khác theo Điều 246 BLHS như cáo trạng Viện kiểm sát truy tố, bởi lẽ việc ném xác chị Huyền xuống sông về bản chất là thủ đoạn che dấu việc phạm tội vi phạm qui định về dịch vụ y tế khác (Điều 242 BLHS), do đó cũng vẫn trong nội hàm của tội danh này chứ không phải cấu thành thêm tội xâm phạm thi thể người khác như cáo trạng Viện kiểm sát truy tố. Thủ đoạn này có thể là tình tiết tăng nặng là Có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh, che dấu tội phạm (điểm o khoản 1 Điều 48 BLHS).

Thứ hai: bị cáo Tường vẫn có thể bị xử lý về tội giết người (Điều 93 BLHS) với lỗi cố ý gián tiếp. Trong trường hợp này, phải chứng minh bị cáo nhận thức được việc thực hiện hành vi phẫu thuật thẩm mỹ của mình với một loạt các hành vi như vẫn tiêm thuốc mê khi thấy nạn nhân có biểu hiện nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra.

Để chứng minh được dấu hiện này đòi hỏi phải kiểm tra thêm các chứng cứ khác: lời khai của các y tá tham gia phẫu thuật về diễn biến quá trình thực hiện phẫu thuật thẫm mỹ. Có lẽ, theo tôi, do có nhiều lời khai mâu thuẫn nhau về việc xác định lỗi của bị cáo Tường trong vụ án là vô ý hay cố ý gián tiếp đối với cái chết của nạn nhân nên Tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong khả năng này, bị cáo Tường cũng không phạm thêm Tội xâm phạm thi thể người khác (Điều 246 BLHS) mà chỉ phạm một tội giết người (Điều 93 BLHS) mà thôi.

Giả thuyết thứ hai: nếu kết quả giám định cho rằng nạn nhân chết sau khi bị ném xuống sông (chẳng hạn giám định pháp y kết luận nạn nhân chết do ngạt nước) thì cũng có hai khả năng xảy ra.

Thứ nhất, bị cáo nhận thức được nạn nhân còn sống mà vẫn ném xuống sông để phi tang hành vi vi phạm qui định về dịch vụ y tế khác (Điều 242 BLHS), thì trong trường hợp này việc bị cáo Tường sẽ phạm vào tội giết người (Điều 93 BLHS).

Thứ hai, bị cáo không nhận thức được nạn nhân còn sống mà cho rằng nạn nhân đã chết nên ném nạn nhân xuống sông để phi tang, che dấu hành vi phạm tội vi phạm qui định về dịch vụ y tế khác. Đây là trường hợp là mà lý luận luật hình sự gọi là sai lầm về khách thể, có nghĩa là bị cáo không có ý định xâm phạm tính mạng của nạn nhân nhưng thực tế lại xâm phạm. Trong trường hợp này, bị cáo phạm hai tội: Tội vi phạm qui định về dịch vụ y tế khác (Điều 242 BLHS) và Tội vô ý làm chết người (Điều 98 BLHS).

Giả thuyết thứ 3: Cơ quan giám định pháp y không thể kết luận được chị Huyền chết trước hay sau khi ném xuống sông.

Trong trường hợp này, chúng ta phải dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội để định tội danh đối với bị cáo Tường, đó là nạn nhân đã chết trước khi ném xuống sông.

Khi đó, việc định tội danh trở lại như giả thuyết thứ nhất với hai khả năng có thể xảy ra.

 
 

Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác  

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 93. Tội giết người 

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Điều 98. Tội vô ý làm chết người 

1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

PHAN THƯƠNG

 

ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm