‘Ba không’ trong chống tham nhũng

Đó là những “con số không” trong công tác phòng, chống tham nhũng (TN) được Thanh tra Chính phủ đưa ra tại hội nghị tổng kết công cụ đánh giá công tác phòng, chống TN cấp tỉnh năm 2016 (chỉ số PACA 2016, thực hiện thí điểm), diễn ra sáng 16-3 tại Hà Nội.

Bộ chỉ số này nhằm mục tiêu hướng tới lượng hóa được sự tiến triển toàn diện, thực chất công tác phòng, chống TN thuộc trách nhiệm UBND cấp tỉnh trên bốn nội dung: Quản lý nhà nước về phòng, chống TN; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa; phát hiện hành vi TN và xử lý các hành vi TN.

Không phát hiện kê gian tài sản

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Chống TN Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt cho biết việc minh bạch tài sản, thu nhập là công cụ quan trọng để phòng ngừa TN. Năm 2015, có hơn 560.000 người tại cấp tỉnh đã kê khai tài sản, trong đó có 414 người thuộc diện phải xác minh tài sản, thu nhập.

Tuy nhiên, tổng hợp báo cáo từ địa phương, qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Ngoài ra, theo ông Đạt, việc xác minh tài sản, thu nhập ở trong thế bị động, thực hiện thủ công, thiếu thống nhất, lãng phí nguồn lực cho cả các cơ quan quản lý công tác kê khai cũng như người có nghĩa vụ phải kê khai. Trong khi đó, việc kê khai tài sản thu nhập chưa giúp cơ quan nhà nước kiểm soát được tính trung thực của bản kê khai.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt đang phát biểu tại hội nghị sáng 16-3.  Ảnh: T.PHAN

Không phát hiện TN

Theo Thanh tra Chính phủ, kết quả tổng hợp cho thấy điểm trung bình của cả nước ở nội dung “phát hiện hành vi TN” chỉ đạt 11,02/25 điểm, tương đương 44,08% so với yêu cầu. Đáng lưu ý, nhiều địa phương trong năm không phát hiện ra TN.

Ông Đạt cũng cho biết việc tự kiểm tra, phát hiện TN chủ yếu thực hiện qua công tác thanh tra, điều tra, còn qua công tác kiểm tra nội bộ thì đạt kết quả rất thấp. Trong khi trên thực tế, nhiều vụ TN lớn được phát hiện từ tố cáo của người dân và cơ quan truyền thông.

“Việc một số UBND cấp tỉnh không phát hiện TN thông qua tự kiểm tra, thanh tra, giải quyết tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử cho thấy nhiều địa phương thực hiện chưa tốt những chỉ đạo từ cấp trên cũng như các quy định của Luật Phòng, chống TN” - ông Đạt nhận định.

Không có thái độ kiên quyết xử lý

Thêm một “con số không” trong công tác phòng, chống TN được Cục trưởng Cục Chống TN Phạm Trọng Đạt đưa ra là tình trạng nhiều tỉnh, TP không chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý các hành vi TN một cách cương quyết. Bên cạnh đó, các địa phương cũng không đề ra các hành động cụ thể để xử lý triệt để các hành vi TN đã phát hiện được, cũng như xây dựng các phương án khắc phục hậu quả các vụ việc TN đã xảy ra.

Về số liệu cụ thể, ông Đạt cho hay xử lý người đứng đầu, xử lý hành vi TN và việc xử lý về kinh tế trung bình đạt 30,7% so với yêu cầu.

Đáng chú ý, theo báo cáo, số liệu tội phạm TN bị truy tố, xét xử của năm 2016 giảm hơn so với năm 2015. Việc thu hồi và khắc phục về kinh tế do TN gây ra còn thấp…

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, các chuyên gia cho rằng có một thực tế là hiện nay các cơ quan tố tụng mới chỉ quan tâm tới việc chứng minh hành vi phạm tội mà chưa áp dụng các biện pháp cần thiết để kê biên, phong tỏa tài sản. Do đó, khi tuyên án đối với tội phạm TN thì tài sản đã bị tẩu tán hết, không còn điều kiện để thi hành.

Cần phải kiểm tra trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa TN; tập trung xem xét, đánh giá vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là những cơ quan, tổ chức có chức năng quản lý nhà nước trong phòng, chống TN; kiên quyết quy trách nhiệm để xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật về phòng ngừa TN.

Ông PHẠM TRỌNG ĐẠT,
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm