Bà Quyết Tâm truy Sở Văn hóa TP.HCM về hát cải lương

Sáng 28-9, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức phiên họp giải trình về tình hình đầu tư, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa trên địa bàn TP.
Ngay từ đầu phiên họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế và yếu kém để xác định nguyên nhân từ những cá nhân, đơn vị nào. Từ đó, đưa ra các giải pháp khắc phục.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: TÁ LÂM

Theo bà Tâm, phát triển văn hóa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo đội ngũ… chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của TP. Nhiều thiết chế văn hóa chưa được đầu tư đúng mức hoặc có rồi thì hoạt động không hiệu quả, thiếu sự đầu tư, phát triển thiếu đồng bộ.

Đại biểu Cao Anh Minh đặt vấn đề liên quan đến hoạt động nghệ thuật truyền thống. Ông cho rằng hoạt động đờn ca tài tử và cải lương còn rất nhiều khó khăn. Nhà hát Trần Hữu Trang vừa mới đưa vào hoạt động với hai suất diễn mỗi tuần, tuy nhiên khán giả còn vắng.
“Mặc dù vắng khán giả nhưng trong xã hội thì đờn ca tài tử rất phổ cập, gần 200 câu lạc bộ đờn ca tài tử hoạt động ở TP.HCM. Tại sao loại hình nghệ thuật này đưa vào biểu diễn lại bất cập như thế? Chính sách của Sở trong quy hoạch phát triển ngành có quan tâm đến hoạt động đờn ca tài tử hay không?” - ông Minh băn khoăn.
Đại biểu Trương Lâm Danh lại quan tâm đến một số thiết chế văn hóa trước đây sôi động, giờ trở thành “vùng ký ức đô thị”, như một số nhà hát, rạp chiếu phim trước năm 1975 nay thành nhà hàng. “Chúng ta có quy hoạch đầu tư nhà hát, rạp chiếu phim cũ tồn tại và phát triển như thế nào?” - ông Danh hỏi.
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở VH-TT Huỳnh Thanh Nhân cho biết đối với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, cơ sở vật chất đã xuống cấp, không có chỗ giữ xe… Khi được TP đầu tư xây mới tại rạp Hưng Đạo cũ nhưng nhiều hạng mục thiết kế không phù hợp quy chuẩn của sân khấu cải lương. Theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và UBND TP, hiện nhà hát đang tiếp nhận, khai thác và vận hành tạm thời trong thời gian chờ xây dựng tại địa điểm mới.
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT, khẳng định việc giữ gìn và phát huy được giá trị của văn hóa nghệ thuật truyền thống dù có chính sách, kế hoạch, chủ trương đều có nhưng để thu hút được người học, nhất là với các ngành như hát bội, cải lương… thực sự rất khó khăn.
“Như hát bội không có người học dù Sở có đầu tư từ trang phục, tiền lương, chế độ. Những ngành nghệ thuật khác, khi tuyển được thì có em chưa tốt nghiệp THPT nên vừa phải dạy nghề kết hợp dạy văn hóa cho các em rất vất vả” - ông Nam nói và cho biết đào tạo được 25 em hát cải lương nhưng chỉ năm em có bằng tốt nghiệp THPT.
Bà Tâm hỏi lại: “Khó thì đúng là khó thật nhưng tôi hỏi, theo đánh giá của anh, sự đam mê, nhu cầu hưởng thụ của hai lĩnh vực này (hát cải lương và hát bội) trong xã hội ở mức nào? Sự đam mê theo nghề có hay không?”.
Trước câu hỏi này, ông Nam cho rằng nghệ thuật hát bội và cải lương sẽ là hai loại hình nghệ thuật sống mãi trong lòng người dân Việt Nam vì nó đã được truyền qua nhiều thế hệ. Mặc dù khó khăn nhưng sẽ làm cho nghệ thuật hát bội tốt hơn.
Còn nghệ thuật cải lương thông qua đờn ca tài tử, gắn liền với lời nói, điệu hát... mọi thứ trong cải lương gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân. Những bài ca cổ cải lương, những trích đoạn cải lương gắn liền với từng hoạt động của người dân trong cuộc vui nào đó. “Như vậy, tôi khẳng định với đại biểu và chủ tịch HĐND TP.HCM là nghệ thuật hát bội và cải lương sẽ sống mãi” - ông Nam nói.
Bà Tâm truy “Niềm đam mê theo nghề có hay không?”.
Ông Nam trả lời niềm đam mê đó thể hiện ở các cuộc thi như cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng ở Đài Tiếng nói TP.HCM. Số lượng khán giả đón xem chương trình này rất đông.
Ông Nam khẳng định có sự đam mê theo nghề.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM

Trước giải trình này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng với cách đánh giá của ông Nam - một người am hiểu chuyên môn lĩnh vực này với hai yếu tố cơ bản: Sự đam mê hưởng thụ của người dân đối với hai loại hình nghệ thuật hát bội và cải lương là “rất dồi dào”.

Theo bà Tâm, hai loại hình nghệ thuật truyền thống này, “nó như đi vào máu của người Việt Nam”. Hay nói cách khác, những bài ca vọng cổ, vở cải lương truyền cho chúng ta niềm tin yêu vào cuộc sống. Nó dân dã nhưng đi vào lòng người.
Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng ông Nam chưa đưa ra được giải pháp, chưa đủ chính sách và tổ chức môi trường tốt để hai loại hình nghệ thuật truyền thống này hoạt động.
“Sở cứ nói khó nhưng cái khó đó do mình tạo ra. Người dân đam mê, có những con người muốn đi theo loại hình nghệ thuật này nhưng vì sao họ không đi theo được nghề là tại mình. Sở chưa thấy được điều này thì cái khó này có 1.000 lần giải trình nữa thì vẫn thế thôi, không chỉ ra được vì sao nó khó. Cái nhà hát cải lương đủ tầm cho hát cải lương không có. Xây dựng nhà hát Trần Hữu Trang không diễn được một vở tầm cỡ, tại ai?”.
“42 năm sau giải phóng mà không đề xuất được cái gì hết, ở đây không đổ hết trách nhiệm cho Sở Văn hóa đâu mà trách nhiệm thuộc tất cả chúng ta” - bà Tâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm