Ba thiếu sót của công an: Đánh giá chưa chuẩn, sai quy trình, lộ kế hoạch

Sáng qua, Công an TP.HCM đã tiếp xúc với báo chí để thông tin bước đầu về vụ án bắt cóc tống tiền rồi sát hại học sinh Lưu Vĩnh Đạt (18 tuổi, ngụ quận Bình Tân).

Cuộc gặp do Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP, chủ trì. Ông cho biết: Qua thông tin báo chí, lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã yêu cầu lãnh đạo Công an TP.HCM giải trình. Tuy nhiên, ông cho rằng lúc này việc quan trọng là điều tra vụ án, chưa phải lúc dừng lại để quy trách nhiệm.

Xin khoan quy trách nhiệm

Ông Minh nói: “Công an quận Bình Tân là lượng chủ công trong vụ điều tra này nên để cho anh em làm. Tôi có báo cáo với lãnh đạo tổng cục thời điểm này chưa phải lúc dừng lại để truy trách nhiệm. Tôi khẳng định Ban Giám đốc Công an TP.HCM sẽ làm rõ có sai sót hay không, do năng lực hay trình độ. Để từ đó xử lý tin báo tố giác tội phạm về sau phải cho phù hợp đặc điểm, diễn biến tội phạm mới. Bởi tôi nói thật chính tôi cũng bất ngờ vì nghi can thân thiết với nạn nhân vậy mà qua lời khai cho thấy gây án rất táo bạo, dù không dựng mưu, chuẩn bị kỹ từ trước”.

Ông chia sẻ: “Với trình độ của trưởng, phó trưởng Công an quận Bình Tân, đội hình sự Bình Tân, chắc chắn suy luận, đánh giá không bằng tôi nhưng không loại trừ họ có những đánh giá mà  với cái nhìn hiện nay chúng ta thấy là không phù hợp. Có thể nếu áp dụng thêm một số biện pháp khác thì việc phát hiện sẽ sớm hơn”.

Ba thiếu sót của công an: Đánh giá chưa chuẩn, sai quy trình, lộ kế hoạch ảnh 1
 
Bà Nguyễn Thị Lệ, mẹ nạn nhân Đạt và gia đình đau buồn, bức xúc trước cái chết của con. Ảnh: HOÀNG TUYẾT

Theo ông Minh: “Nếu để quy trách nhiệm thì nói Công an quận Bình Tân không làm gì là không đúng, họ đã cử người đi Quảng Ngãi, mất thời gian với mấy ông dịch vụ đòi nợ thuê, nắm rõ quan hệ đối tượng nghi vấn, hoàn cảnh gia đình. Công an quận Bình Tân đã hướng dẫn gia đình cách câu giờ để đối tượng bộc lộ, hướng dẫn thương lượng số tiền chi trả, hướng dẫn cách giữ bí mật, chọn cách thông tin liên lạc gia đình vì nghi ngờ gia đình bị giám sát. Tôi nói Công an quận Bình Tân có kế hoạch đúng nhưng kế hoạch ấy bị lộ với đối tượng khiến một số kế hoạch hủy bỏ chứ không phải không làm gì”.

Có thể đã làm sai quy trình

Phóng viên Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: “Khi gia đình nạn nhân đến Công an quận Bình Tân trình báo bị bắt cóc, dọa giết, đòi tiền chuộc trên 500 triệu đồng thì Công an quận Bình Tân có báo lên Công an TP không? Sau đó gia đình đến PC45 trình báo, trực ban PC45 nói khi nào Công an quận Bình Tân không làm chuyển hồ sơ lên PC45 mới làm, quy trình tiếp nhận tin báo như thế có đúng hay không? Theo quy định một vụ án bắt cóc đòi tiền chuộc đe dọa nạn nhân, được công an phường báo lên, công an quận có buộc phải báo PC45 không hay tự công an quận làm?

Lỗi nghiệp vụ của phòng nghiệp vụ

Thiếu tướng Minh trả lời: “Tôi đánh giá sơ bộ, Công an quận Bình Tân thực hiện nhiều biện pháp nhưng khả năng Công an quận Bình Tân không thể nào làm tốt hơn các phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM. Công an quận Bình Tân có ra thông báo truy tìm gửi các phòng nghiệp vụ vào ngày 28-2 nhưng ở đây các phòng nghiệp vụ cũng có lỗi không quan tâm việc xâu chuỗi truy tìm nạn nhân mất tích. Còn trực ban PC45 tất nhiên trả lời nói không đầy đủ ý, đúng ra theo quy trình câu trả lời của trực ban phải là việc này tống tiền trên 500 triệu đồng thuộc thẩm quyền của Phòng PC45, phòng sẽ liên hệ Công an quận Bình Tân rút hồ sơ lên để làm. Tuy nhiên, đây mới chỉ nghe một chiều, tôi không khẳng định trực ban trả lời sai nhưng có thể gây ngộ nhận”.

Cụ thể ở đây nếu đánh giá có uy hiếp tính mạng thì theo quy trình đúng ra Bình Tân phải chuyển PC45. Ở đây Công an quận Bình Tân nghĩ có thông báo truy tìm là đủ, tôi nghĩ nếu các phòng tham gia sớm hơn có thể phát hiện sớm hơn nhưng không loại trừ nạn nhân đã bị giết”.

Vẫn là chuyện năng lực

Ông Minh nói thêm: “Vấn đề ở đây là năng lực. Thật ra lúc đó Công an quận Bình Tân không nghĩ nạn nhân bị giết, tôi rất bất ngờ vì thủ phạm rất trẻ tuổi, xe chở đi cũng là xe nạn nhân. Cái kỳ cục là nếu nhận giết trước rồi mới gọi điện thoại đòi tiền chuộc thì không phù hợp với quy luật bắt cóc đòi tiền chuộc vì phải giữ nạn nhân còn sống để gia đình nghe được mới đồng ý giao tiền chuộc. Từ nghiệp vụ đó Công an quận Bình Tân hướng dẫn, kéo dài để xác định có thật hung thủ đang cầm giữ nạn nhân không, bởi nguyên tắc các vụ bắt cóc tống tiền là xác định phải giải cứu nạn nhân trước, còn bắt thủ phạm sau”.

Đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Công an TP.HCM, thông tin thêm với báo chí là việc xem xét, quy trách nhiệm Công an quận Bình Tân như thế nào cần phải chờ kết luận điều tra.

TUYẾT KHUÊ

 

Không thể đòi hỏi trình độ của công an quận như của tôi

Trước dư luận cho là không chỉ Công an quận Bình Tân, Công an TP.HCM, mà cả lực lượng công an giải cứu chậm khiến nạn nhân chết. Ông Phan Anh Minh giải thích: “Tuy lời khai nghi can chưa khẳng định chính xác nhưng đối tượng sử dụng điện thoại nạn nhân từ 23 giờ đêm 26-2, nạn nhân bị mất khả năng kháng cự không biết có bị giết hay chưa, 7 giờ sáng mẹ nạn nhân nhận tin nhắn đòi tiền chuộc, đến 10 giờ ngày 27-2 đi trình báo. Nếu theo như lời khai của nghi can An lúc này nạn nhân đã chết rồi thì không thể quy trách nhiệm Công an quận Bình Tân về cái chết này vì hậu quả đã xảy ra trước. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có thêm một đồng phạm giúp An giữ nạn nhân còn sống trong những ngày đe dọa tống tiền. Khi có kết luận điều tra Công an TP.HCM sẽ xem tất cả ứng xử, xử lý của Công an quận Bình Tân”.

Ba thiếu sót của công an: Đánh giá chưa chuẩn, sai quy trình, lộ kế hoạch ảnh 2
 
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP.HCM.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng: “Nếu xem xét trách nhiệm, khi đã có đầy đủ thông tin rồi phải xem xét đối chiếu với trình độ của Công an quận Bình Tân, không bao giờ lấy trách nhiệm, cái đầu của phó giám đốc để nói Công an quận Bình Tân xử lý ngon như tôi. Đừng kéo người không đọc hồ sơ vụ án để bình luận về vụ án”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm