TRÁCH NHIỆM CHỨNG MINH TỘI PHẠM CỦA TÒA –

Bài 1: Gánh nặng từ quy định đến thực tiễn

BLTTHS còn một loạt quy định khác cụ thể hóa nguyên tắc trên trong hoạt động xét xử của tòa án.

Bài 1: Gánh nặng từ quy định đến thực tiễn ảnh 1

Trên thực tế, áp lực chứng minh tội phạm đã khiến tòa từ “hỏi trước” biến thành “hỏi chính”. Ảnh minh họa: HTD

Hàng loạt quy định bắt buộc

Tòa chỉ xét xử!

Đề án mô hình tố tụng hình sự Việt Nam do VKSND Tối cao soạn thảo, được Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương tán đồng đề cao nguyên tắc tòa chỉ thực hiện chức năng xét xử, không buộc tội bị cáo, không có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Bất cứ thẩm quyền nào của tòa mâu thuẫn với chức năng xét xử, ảnh hưởng đến tính khách quan của tòa đều phải bị loại bỏ.

Đề án nhấn mạnh phải tạo lập cơ chế để bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa, đề cao vai trò của người bào chữa trong hoạt động tố tụng. Khi xét xử, nếu nhận thấy có đủ chứng cứ và các yếu tố cấu thành tội phạm thì tòa áp dụng trách nhiệm hình sự; nếu không đủ chứng cứ thì tòa tuyên bị cáo vô tội. Cạnh đó, đề án đề cập tới việc đổi mới vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tố tụng và trình tự xét xử tại phiên tòa theo hướng việc xét hỏi chính thuộc về kiểm sát viên và người bào chữa...

Trước hết là các quy định về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên tòa (Điều 179 và Điều 199). Theo nhiều chuyên gia, việc tòa thực thi các quy định này là “đường cứu nạn” cho VKS trong trường hợp chứng cứ kết tội yếu ớt, mâu thuẫn hoặc đuối lý trước bên gỡ tội.

Tiếp đó là quy định về trình tự xét hỏi tại phiên tòa (Điều 207). Theo quy định, chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các hội thẩm, sau đó đến kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Trên thực tế, áp lực chứng minh tội phạm đã khiến tòa từ “hỏi trước” biến thành “hỏi chính”. Nhiều phiên xử, tòa “bao sân” hỏi hết, hỏi cả phần của kiểm sát viên lẫn luật sư...

Ngoài ra, còn nhiều các quy định khác cũng cột chặt trách nhiệm chứng minh tội phạm của tòa: Tòa có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật theo hướng nặng hơn (Điều 196); tòa có quyền khởi tố vụ án (Điều 104); khi VKS rút toàn bộ quyết định truy tố, tòa vẫn giải quyết những vấn đề của vụ án (Điều 222).

Cơ quan công tố thứ hai?

Trong thực tiễn xét xử, gánh nặng chứng minh tội phạm đã khiến nhiều hội đồng xét xử nghiêng hẳn về xu hướng buộc tội bị cáo, thể hiện ngay từ cách xét hỏi tại phiên tòa.

Trước đây, Pháp Luật TP.HCM đã từng phản ánh tình trạng có rất nhiều phiên tòa, hội đồng xét xử xét hỏi mà y như đang dồn ép bị cáo nhận tội. Chẳng hạn cuối năm 2010, xử phúc thẩm bị cáo A về tội cướp tài sản, vừa bắt đầu phần thẩm vấn, vị chủ tọa đã “phủ đầu”: “Bị cáo nhận tội đi! Oan ức gì đâu mà kháng cáo, mất thời gian”. Bị cáo A. năn nỉ: “Mong tòa xem xét, bị cáo bị kết tội oan…”. Lúc này vị chủ tọa đập mạnh tay xuống tập hồ sơ dưới bàn lớn tiếng: “Chứng cứ phạm tội rành rành đây còn cãi gì nữa hả?”. Sau đó, thấy bị cáo cương quyết không rút kháng cáo, hội đồng xét xử đành phải tiếp tục quá trình thẩm vấn.

Vụ khác, trong phiên xử lưu động của TAND một quận tại TP.HCM mới đây, một vị hội thẩm nhân dân hỏi: “Sao bị cáo không chờ đồng phạm tới rồi mới ra tay cướp giật mà lại hành động một mình?”. Bị cáo ngơ ngác: “Dạ, bị cáo đâu có ý rủ thêm ai đâu ạ”. Lập tức vị hội thẩm nghiêm giọng: “Bị cáo không lừa tòa được đâu! Hồ sơ không thể hiện nhưng rõ ràng bị cáo kêu cà phê phin không pha sẵn là có ý uống chậm để chờ đồng phạm tới để cùng cướp chứ gì, chối gì nữa mà chối” (?!). Nghe tới đây, nhiều người dự khán cười ồ, còn vị chủ tọa thì cố nháy mắt, hẩy hẩy chân ra hiệu cho hội thẩm dừng xét hỏi…

Không chỉ thể hiện qua cách “xét hỏi buộc tội”, gánh nặng chứng minh tội phạm đã khiến tòa để xảy ra không ít vụ án oan. Coi trọng chứng cứ buộc tội dù yếu ớt, mâu thuẫn, xem nhẹ chứng cứ gỡ tội, bỏ qua lời kêu oan và lập luận của luật sư bào chữa, cố kết tội cho bằng được. Hàng loạt vụ án oan mà đến khi được lật lại thì hậu quả đã rất nặng nề, không chỉ đối với người bị oan mà còn là uy tín của cơ quan tố tụng và thiệt hại vật chất từ ngân sách vì phải bồi thường oan.

Họ đã nói

Phải thay đổi

Với tư cách là cơ quan ra phán quyết, tòa án không có nhiệm vụ chứng minh tội phạm cũng như chứng minh sự vô tội. BLTTHS cần hoàn thiện Điều 184 về nguyên tắc xét xử trực tiếp theo hướng không nên quy định tòa án phải trực tiếp xác định các tình tiết vụ án, trực tiếp hỏi người tham gia tố tụng để tránh hiểu nhầm là tòa làm thay chức năng buộc tội, gỡ tội; trái với yếu tố tranh tụng.

PGS-TS TRẦN VĂN ĐỘ, Phó Chánh án TAND Tối cao

Tòa không có nghĩa vụ chứng minh

Tòa cũng có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật nhưng thực hiện nhiệm vụ đó thông qua chức năng xét xử của mình. Tòa không phải là người truy tố bị cáo nên không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng thực hiện chức năng buộc tội (cơ quan điều tra, VKS).

TS NGUYỄN THÁI PHÚC, Giám đốc Học viện Tư pháp

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm