'Băm nát' quy hoạch phải coi là tội phạm để xử lý

Lý giải cho đề xuất của mình, đại biểu (ĐB) Thường đưa ra quan điểm nếu tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản là nguồn lực quốc gia thì quy hoạch cũng phải chuyển hóa thành nguồn lực quốc gia. Mà đã là nguồn lực của quốc gia như vậy thì phải được kiểm soát như là tài sản công.

“Tức là phải xử lý được trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể xây dựng ra những sản phẩm quy hoạch không tốt, gây hại cho nền kinh tế. Nếu có quy hoạch tốt rồi nhưng lại để diễn ra tình trạng băm nát, thậm chí lợi ích nhóm lái quy hoạch hay là điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện… thì phải có những chế tài. Điều này cần phải được xem xét xử lý như là tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hại cho nền kinh tế... Khi có chế tài, nó cũng là cánh cửa để mở ra những quy hoạch tốt, cũng là biện pháp đóng lại tình trạng băm nát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện” - ông Thường nhấn mạnh.

                Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Bên cạnh đó ĐB Thường cũng cho rằng về mặt làm quy hoạch cũng cần có một nhạc trưởng để điều hành thống nhất. Tránh tình trạng quy hoạch băm nát, cái sau phủ cái trước, cái dưới phủ cái trên…

ĐB Thường cũng dẫn chứng cho tình trạng “quy hoạch hỗn loạn” như hiện nay, cụ thể từ năm 2000 đến 2010, cả nước chỉ có 3.114 quy hoạch được xây dựng. Nhưng trong sáu năm (từ năm 2010 đến 2016), 12.680 quy hoạch được hoàn thành, tức gấp bốn lần.

“Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2020, dự kiến cả nước sẽ đổ 8.000 tỉ đồng để xây dựng 19.250 quy hoạch. Nói như vậy để thấy rằng số lượng quy hoạch lớn, chất lượng kém, quy hoạch sau phủ quy hoạch trước, quy hoạch cấp dưới phủ quy hoạch cấp trên” - ĐB Thường nói.

Từ thực tế trên, ông Thường ủng hộ nhiệm vụ mà dự án Luật quy hoạch đưa ra là “lập lại trật tự quy hoạch” là cần thiết và cấp bách với hai quyết sách lớn gồm: Đưa ra thứ bậc trong quy hoạch để hạn chế quy hoạch cấp dưới, quy hoạch cấp trên. Cạnh đó là bỏ quy hoạch sản phẩm liên quan đến cơ chế xin cho (quy hoạch cá tra, quy hoạch cá rô phi…) không phù hợp với cơ chế thị trường.

ĐB Thường cũng băn khoăn với phương án xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia như dự thảo luật đưa ra. Vì theo ĐB này, hiện có rất ít nước làm theo hướng này, ngoài một số nước có trình độ phát triển cao, có điều kiện phù hợp, ví dụ như Nhật Bản.

“Chúng tôi băn khoăn vì thời gian đưa ra lập lại trật tự quy hoạch rất ngắn, từ hai đến ba năm. Trong khi đó thiếu vắng chiến lược tổng thể quốc gia. Tôi cũng không hiểu rằng khi xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia thì Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng… sẽ nhặt những ý gì từ chiến lược phát triển bền vững. Chúng ta có chiến lược ngành nhưng chiến lược tổng thể quốc gia lại thiếu vắng” - ĐB Thường nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm