Cả nước đối phó dịch Corona

Ban Bí thư, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt chống dịch

Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng không để dịch bệnh Corona làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và phát triển kinh tế.

Nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của Chính phủ

Ngày 31-1, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Ban Bí thư.

Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động điều kiện, phương tiện, mọi biện pháp phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), không để ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 79 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, tiếp Đại sứ Pháp tại Việt Nam (VN) Nicolas Warnery, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nỗ lực của VN trong phòng, chống nCoV - dịch bệnh đã được WHO công bố là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Theo người đứng đầu Chính phủ, VN đã tổ chức phòng, chống dịch bệnh này hết sức kiên quyết, đồng bộ, công khai, minh bạch, được người dân ủng hộ. Chính phủ VN có giải pháp mạnh mẽ, sớm công bố, cách ly các trường hợp nghi nhiễm để hạn chế tối đa lây lan.

Trước đó, ngày 30-1, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp về triển khai nhiệm vụ sau tết và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Thủ tướng yêu cầu thảo luận về việc thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư và Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng về phòng, chống dịch nCoV với tinh thần quyết liệt, đồng bộ hơn, chống dịch như chống giặc. Đồng thời đưa ra biện pháp để các địa phương vào cuộc tích cực hơn nữa, không được coi tình hình bình thường mà phải thấy tình hình nóng bỏng hơn vì bệnh đang lây lan nhanh.

Nhân viên nhiều cửa hàng buôn bán lớn tại TP.HCM đều mang khẩu trang y tế phòng ngừa nhiễm virus Corona. Ảnh chụp chiều 31-1. Ảnh: HTD

TP.HCM rà soát các sự kiện đông người

Chiều 31-1, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai công tác ngăn chặn, khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona tại TP.HCM.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng cho biết sở đã tính đến khả năng dịch lan rộng và bùng phát tại TP, do đây là đô thị với 10 triệu dân và là đầu mối giao thông của khu vực phía nam, đặc biệt là đường hàng không. Nhiều khách nước ngoài đi bằng đường hàng không đến TP và lưu trú vài ngày rồi mới di chuyển đến nơi khác.

Theo ông Hưng, TP.HCM có nguy cơ cao còn vì là nơi xảy ra nhiều sự kiện đông người. Ông Hưng khẳng định ngoài hai ca nhiễm bệnh đang điều trị tại BV Chợ Rẫy, hiện ở TP chưa phát hiện trường hợp bị lây nhiễm ở cộng đồng. Tại sân bay Tân Sơn Nhất đã đặt hai máy đo thân nhiệt, nếu phát hiện hành khách có nguy cơ sốt thì sẽ cách ly kiểm tra ngay.

Sở Y tế cũng chỉ định hai bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Corona là BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM và BV Nhi đồng. Nếu bệnh lan rộng, tất cả bệnh viện của TP sẽ được yêu cầu tiếp nhận điều trị. “Sở Y tế đã lên kịch bản ứng phó nếu dịch bệnh lan rộng và cam kết cung cấp đầy đủ vật tư y tế bảo hộ, hóa chất cho nhân viên y tế. Sở cũng rà soát lại nhu cầu điều trị dự phòng để nếu thiếu sẽ mua sắm thêm” - ông Hưng nói.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra rất nguy hiểm, bởi vì chỉ mới xảy ra hơn một tháng ở Trung Quốc nhưng đã chết hơn 200 người, sắp tới con số này có thể tăng lên nhiều.

Để chống dịch, ông Nhân yêu cầu các ban, ngành chức năng rà soát lại các sự kiện tập trung đông người, nếu thấy băn khoăn thì báo cơ quan cấp trên để quyết định. Đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền để biết cách tự bảo vệ bản thân và người khác.

Theo ông Nhân, người đến từ vùng dịch phải tự giám sát phù hợp mới phòng ngừa được, vì đợi đến khi phát hiện thân nhiệt cao thì đã lây lan bệnh cho người khác. Ba người VN bị nhiễm bệnh cũng vậy, về nước cả hai tuần sau mới bắt đầu phát bệnh. “TP khẳng định không thiếu kinh phí trong việc chống dịch viêm phổi, tất cả những người được đưa vào cơ sở y tế giám sát đều được miễn phí, còn các trường hợp giám sát tại nhà sẽ được miễn phí dụng cụ” - ông Nhân nói. Ông cũng cho rằng phải làm sao để người dân nâng cao ý thức tự dự phòng là chính.

Đối với việc cung cấp khẩu trang y tế để tránh lây nhiễm, ông Nhân cho biết TP.HCM có 35 nhà máy sản xuất khẩu trang bảo đảm chất lượng nên tuyệt đối không để thiếu. UBND TP sẽ giao Saigon Co.op có hợp đồng cung cấp, trước mắt sẽ chuẩn bị một triệu chiếc để phục vụ người dân. “Báo chí, người dân phát hiện việc tăng giá thì phản ánh ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý” - ông Nhân nói. Ông yêu cầu ngành y tế cũng phải đảm bảo trang thiết bị bảo vệ cho nhân viên, tránh lây nhiễm.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; tất cả cơ sở khám chữa bệnh phải tuân thủ quy định cách ly, điều trị ca bệnh lây qua đường hô hấp, tập trung ở mức cao nhất để phát hiện kịp thời, sớm nhất các trường hợp nghi ngờ lây nhiễm, tổ chức khoanh vùng, cách ly tuyệt đối để loại trừ khả năng nhiễm bệnh...

Trước đó, UBND TP.HCM đã ra Chỉ thị 03 về việc phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra. Theo đó, UBND TP giao các sở, ngành, quận, huyện cùng vào cuộc tham gia việc phòng, chống dịch, coi đây là nhiệm vụ cấp bách.

Thủ tướng chỉ đạo 18 nội dung đối phó dịch Corona

Ngày 31-1, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Cụ thể, Thủ tướng chỉ thị 18 nội dung quan trọng nhằm thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh nói trên.

Trong số này, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh như “chống giặc”, kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh này kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế.

Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tạm dừng cấp phép bay đối với tất cả chuyến bay từ vùng có dịch của Trung Quốc đến VN và ngược lại. Đồng thời, các cơ quan hữu quan  tạm dừng việc cấp thị thực du lịch cho khách nước ngoài đang hoặc đã từng ở Trung Quốc trong hai tuần qua; dừng việc xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới với mục đích du lịch. Cùng với đó là cấm việc đi lại qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới VN - Trung Quốc.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo hạn chế tập trung đông người, nhất là tại các lễ hội; tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc; giảm quy mô các lễ hội đã tổ chức…

Đặc biệt, Thủ tướng nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Một nội dung quan trọng khác, Thủ tướng yêu cầu tạm thời đóng các đường mòn, lối mở; không khuyến khích giao thương, giao lưu với Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Ngoại giao tìm hiểu cách làm của các nước, đề xuất việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học; sẵn sàng thực hiện việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học khi dịch bùng phát.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu các điều kiện và thủ tục pháp lý, đề xuất việc công bố tình trạng khẩn cấp về y tế do dịch bệnh này gây ra tại VN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 2-2-2020.

T.PHAN

Bộ Y tế: Quyết liệt chống dịch Corona từ khuyến cáo của WHO

Chiều 31-1, Bộ Y tế tổ chức họp báo thông tin xung quanh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona.

Ông Nguyễn Tử Hiếu, Vụ phó Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, cho biết vụ này đã liên hệ, đốc thúc các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế nhanh chóng đi vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị sản xuất chịu trách nhiệm về bình ổn giá, không bán cho các đối tượng đầu cơ, gom hàng, bán cho các nước khác.

Chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra

Ngành y tế TP tuyệt đối không được chủ quan, phải thường xuyên cập nhật các chỉ đạo mới của Bộ Y tế để chủ động xây dựng các kịch bản kèm phương án ứng phó tương thích đối với các tình huống xảy ra.

Ông NGUYỄN THÀNH PHONG, Chủ tịch UBND TP.HCM 

PGS-TS Trần Đắc Phu, cựu cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhận định có nhiều người chưa hiểu cặn kẽ về thông tin liên quan đến dịch bệnh do virus Corona.

Tại VN, cơ quan chức năng xác định có năm trường hợp dương tính, đây đều là những ca xâm nhập, đi từ TP Vũ Hán về. “Nghĩa là hiện VN chưa thấy có sự lây lan từ cộng đồng. Điều này là rất quan trọng trong việc thông tin cảnh báo tới người dân” - ông Phu nói.

Vị này cũng nhắc tới việc WHO công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu và cho biết đây là lần thứ sáu Tổ chức Y tế Thế giới có động thái tương tự. Còn tại VN, việc này chưa bao giờ có.

Theo ông Phu, công bố của WHO mang tính chất kêu gọi các quốc gia chung tay đáp ứng tình hình dịch bệnh, đưa ra các giải pháp, tạo nguồn lực chứ không hề quy định cụ thể các biện pháp hạn chế đi lại hay đóng cửa biên giới.

Từ khuyến cáo của WHO, VN đã làm rất nhiều hoạt động như chia sẻ thông tin, thành lập ban chỉ đạo, chuẩn bị nguồn lực… một cách rất quyết liệt.

Đáng chú ý, ông Phu cũng đưa ra những lời khuyên về việc đeo khẩu trang để tránh lây lan dịch bệnh. Theo ông, hiện nay dịch bệnh chưa lây lan ra cộng đồng, chúng ta có thể dùng khẩu trang ở những nơi có nguy cơ lây lan cao (bệnh viện, bến xe) và dùng khẩu trang thông thường chứ không nhất thiết phải là khẩu trang N95. Thậm chí, với khẩu trang vải cũng có thể giặt và sử dụng nhiều lần.

Cẩm nang của Bộ Y tế: Cách bảo vệ bản thân trước dịch Corona

Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

- Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

- Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ.

- Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.

- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã.

- Đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.

PV 

Xử lý ngay người tăng giá nước rửa tay, khẩu trang

Sáng 31-1, Tổng cục Quản lý thị trường đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm hiện tượng thu gom, tăng giá bất hợp lý các trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe như khẩu trang y tế, nước sát trùng, găng tay y tế.

Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý theo địa bàn. Nếu phát hiện các hành vi trên thì phải xử lý kịp thời.

Tổng cục Quản lý thị trường nêu rõ: Nếu phát hiện các hành vi có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đưa chi tiết khung xử lý đối với hành vi kinh doanh hàng nhái, hàng giả là khẩu trang y tế.

Nếu có căn cứ để xác định hàng hóa là hàng giả thì hành vi buôn bán hàng giả sẽ bị xử lý theo các quy định tại Nghị định số 185/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015 của Chính phủ.

A.HIỀN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm