Bán “đất vàng” thể thao: Đề xuất khó chấp nhận!

Sau ý kiến của ông Lê Bửu, nguyên Giám đốc Sở TDTT TP.HCM (Pháp Luật TP.HCM ngày 3-9), chúng tôi tiếp tục nhận được ý kiến của những người từng gắn bó với thể thao TP.HCM về đề xuất bán các khu “đất vàng” thể thao của Sở VH-TT&DL TP. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Không thể hiểu được!

Bán “đất vàng” thể thao: Đề xuất khó chấp nhận! ảnh 1
Tôi rất thất vọng, không hiểu vì sao những người quản lý thể thao ở TP.HCM lại có đề xuất lạ lùng như thế. Đất cho thể thao không tăng lên được thì thôi, sao lại còn đòi thu hẹp đi?

Những nơi như sân vận động Hoa Lư, Trung tâm TDTT Thanh Đa không chỉ để người dân đến tập luyện mà còn là “lá phổi”, là “khoảng xanh” của TP. Cứ cái kiểu suy nghĩ này thì năm, 10 năm nữa TP chỉ toàn là cao ốc, nhà chọc trời. Khi đó, con cháu chúng ta sẽ luyện tập thể thao ở đâu?

Ông DƯƠNG VŨ LÂM, nguyên Tổng Thư ký  LĐBĐ TP.HCM, Trưởng ban Trọng tài quốc gia

Trái định hướng của TP

Bán “đất vàng” thể thao: Đề xuất khó chấp nhận! ảnh 2
Sân vận động Hoa Lư là một cơ sở thể thao quý giá của TP.HCM. Các chuyên gia trong ngành thể thao đều thừa nhận sân Hoa Lư suốt thời gian qua hoạt động tốt, không nằm trong danh sách các cơ sở thể thao tồn tại một cách hình thức và lãng phí.

Đặc biệt, tháng 6 vừa qua Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã có kết luận bằng văn bản việc chuyển đổi sân Hoa Lư thành Trung tâm TDTT Hoa Lư để phát triển thể thao thành tích cao, phù hợp với yêu cầu phát triển của TP. Lãnh đạo TP khẳng định: TP đảm bảo kinh phí để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng ở số 2 Đinh Tiên Hoàng; đồng thời đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho dự án mở rộng Trung tâm TDTT Hoa Lư.

Thực trạng và định hướng trên đây cho thấy đề xuất bán sân Hoa Lư cùng một số cơ sở văn hóa, thể thao khác để lấy tiền thực hiện dự án Trung tâm TDTT Rạch Chiếc là không hợp lý. Việc bán sân Hoa Lư sẽ góp phần thu hẹp không gian hoạt động thể thao của TP.HCM, vốn dĩ chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của thể thao cơ sở và thể thao đỉnh cao.

NGUYỄN THẾ THANH, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM

Bán “đất vàng” thể thao: Đề xuất khó chấp nhận! ảnh 3

Không thể vì quá chú trọng tới thể thao thành tích cao mà “xử tệ” với những cơ sở thể thao quần chúng. Trong ảnh: Các học sinh đang đá bóng tại Trung tâm TDTT Thanh Đa. Ảnh: VIỆT HOA

Cú sốc với người làm chuyên môn

Bán “đất vàng” thể thao: Đề xuất khó chấp nhận! ảnh 4
Khi nghe thông tin đề xuất bán sân vận động Hoa Lư, Trung tâm TDTT Thanh Đa cùng nhiều cơ sở khác, tôi cảm thấy  bùi ngùi, hụt hẫng. Nếu điều đó xảy ra thì quả thật là cú sốc lớn đối với người làm chuyên môn như chúng tôi (cựu tuyển thủ Trần Minh Chiến đang làm HLV Quỹ phát triển bóng đá trẻ Việt Nam - PVF).

Thể thao đỉnh cao đưa ra vùng ven là đúng, chủ trương xây Trung tâm TDTT Rạch Chiếc cũng không sai. Nhưng không thể vì quá chú trọng tới thể thao thành tích cao mà “xử tệ” với những cơ sở thể thao quần chúng. Cuối tuần, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều phụ huynh dẫn con em đến các trung tâm thể thao để luyện tập. Đây là cái nôi để phát hiện những tài năng tương lai của thể thao TP. Nếu bán đi thì các cháu chơi thể thao ở đâu? Thể thao phong trào của TP sẽ đi tới đâu? Chắc không khó để tìm được câu trả lời!

Riêng với bản thân tôi, sân vận động Hoa Lư có rất nhiều kỷ niệm bởi đó là nơi tôi trưởng thành. Hồi đó chúng tôi “máu” lắm, tập luyện rất hăng say, gian khổ dù mặt sân khi ấy chỉ toàn cát chứ không được như bây giờ. Ngày nay, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé lại nơi ấy để trò chuyện với những người quản lý, ngồi xem các em học sinh chơi thể thao hay những cụ già tập thể dục. Nếu mai này những hình ảnh đó mất đi, tôi buồn lắm.

Anh TRẦN MINH CHIẾN, cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia

Đừng tước đi niềm vui của nhiều người

Bán “đất vàng” thể thao: Đề xuất khó chấp nhận! ảnh 5
Có thể người ta đưa ra lý do các cơ sở thể thao đó hoạt động không hiệu quả nên cần bán đi. Nhưng phải xét ngọn nguồn Trung tâm TDTT Thanh Đa, sân Hoa Lư hoạt động không hiệu quả thì lỗi 100% là do quản lý chưa tốt chứ các trung tâm này chẳng có tội gì để mà phải bán đi.

Doanh nghiệp mua những cơ sở thể thao để làm gì? Nếu họ đầu tư nhà cao tầng thì coi như chúng ta mất trắng. Còn nếu như họ vẫn đầu tư cho TDTT thì người dân cũng phải trả nhiều tiền hơn hiện nay mới được vào sân tập luyện. Đằng nào thì người dân cũng thiệt thòi, thể thao phong trào cũng bị ảnh hưởng.

Từ bao lâu nay, sân Hoa Lư luôn đóng vai trò quan trọng đối với thể thao quần chúng. Cứ mỗi khi đi ngang đó, tôi luôn thấy đông người chơi thể thao. Họ đến đó tập luyện để giữ sức khỏe, để có thêm niềm vui và năng lượng cho cuộc sống. Thế thì đừng tước đi niềm vui ấy của họ!

Chị LƯU NGỌC MAI, cựu tuyển thủ bóng đá nữ quốc gia

TẤN PHƯỚC - VIỆT HOA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm