Ban nghiên cứu làm gì?

BNC chịu trách nhiệm viết các bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng. Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mỗi sự kiện quan trọng các thành viên BNC đều thảo luận về bài phát biểu và ông Trần Đức Nguyên chấp bút.

Công việc quan trọng khác của BNC là đề xuất các giải pháp mới như: Luật Doanh nghiệp, cấm đốt pháo, giải tỏa nhà ở đê sông Hồng, làm đường dây 500 kV Bắc Nam. “Khi ngồi nghe BNC, nếu Thủ tướng Võ Văn Kiệt lấy bút ghi lại ý kiến nào là y như rằng sẽ có quyết định về việc ấy” - TS Lược nói.

Tổng bí thư Đỗ Mười thăm Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Khi tôi hỏi thành viên BNC có được trả lương không, TS Lược cười vang: “Không, tôi sống bằng lương viện trưởng. Sau này thời ông Trần Xuân Giá làm trưởng ban thì chúng tôi được trợ cấp mỗi tháng vài trăm ngàn”.

Điều mà TS Lược cũng như các thành viên khác quan tâm hơn là những mối lợi khác. “Chúng tôi được tham gia nhiều dự án của nước ngoài tài trợ, được đi khảo sát trong và ngoài nước. Cái lợi khác là có thể trực tiếp thuyết phục cấp trên về những định hướng, công việc có lợi cho đất nước”.

Kể về một số thành viên, TS Lược nói ngay như ông Trần Đức Nguyên, Hà Nghiệp không phải là người giàu có. Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới của TS Lược còn cấp những khoản thù lao cộng tác viên cho một số thành viên. “Sau này ông Trần Đức Nguyên được cấp một cái nhà tương đương với tiêu chuẩn thứ trưởng. Thời Thủ tướng Phan Văn Khải mới có trợ cấp cho các thành viên”.

“Tết nhất thì Thủ tướng có chút quà cho các thành viên. Nhưng tinh thần của BNC là vô vụ lợi. Nếu cầu lợi thì rất nguy hiểm. Chúng tôi chỉ cố gắng tư vấn, thuyết phục các TBT, Thủ tướng những gì có lợi ích cho cả đất nước. Đó là món quà lớn nhất của chúng tôi”.

TS Lê Đăng Doanh, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng:

Vẫn sẵn sàng đóng góp ý kiến

BNC là tập hợp của những người không muốn danh lợi, chỉ hoạt động vì lợi ích của đất nước và không khuất phục trước sức ép nào. Cũng có những cố gắng mua chuộc, mời mọc nhưng BNC không tham gia những việc ấy.

Chúng tôi rất mừng vì được Thủ tướng lắng nghe và tham khảo những vấn đề lớn. Thủ tướng luôn gửi các văn bản dự kiến ký ban hành để chúng tôi góp ý. Có khi thời gian được hai, ba ngày, có khi chỉ một buổi tối. Điều này ngăn chặn được những văn bản kém chất lượng.

Những anh em trong BNC đều có kinh nghiệm, chẳng hạn anh Trần Việt Phương, Trần Đức Nguyên, Trần Xuân Giá… Đó là những người có kinh nghiệm tốt. Nếu Thủ tướng lắng nghe thì chắc chắn các chuyên gia sẽ có những ý kiến tốt.

Dĩ nhiên, không bao giờ hết được những trăn trở, nuối tiếc. Chúng tôi rất thông cảm với Thủ tướng vì nhiều lần góp ý kiến, Thủ tướng sử dụng nhưng vì nhiều giới hạn mà không thể thực hiện. Chúng ta biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1995 có bức thư nổi tiếng rồi phải từ chức. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng có nhiều nỗ lực để cải cách mạnh hơn, nhanh hơn nhưng không phải lúc nào cũng được như kỳ vọng.

Lẽ ra chúng ta có thể phát triển tốt hơn, nhanh hơn, cải cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn nhưng rất tiếc là chúng ta đã không đạt được như vậy.

Với tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều thành viên và tôi sẵn sàng đóng góp ý kiến khi được hỏi. Đồng thời, tôi nghĩ mình sẽ tìm những cơ hội tốt để tiếp tục đóng góp ý kiến.

--------------------------------------------

Gặp trực tiếp Thủ tướng khi cần thiết

Một ngày sau khi ký quyết định thành lập Tổ tư vấn kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc đầu tiên với các thành viên tổ này và “tin tưởng tổ tư vấn sẽ là kênh quan trọng trong việc xây dựng các chủ trương, biện pháp trong chỉ đạo, điều hành, nhất là về kinh tế”.

Thủ tướng khẳng định tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà tư vấn. “Các đồng chí có thể gián tiếp hoặc gặp trực tiếp Thủ tướng khi cần thiết” - Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc nói và nhấn mạnh rằng: “Khi phát hiện bất cập, biết cách làm thì đất nước sẽ chuyển mình, không phụ lòng tin của nhân dân”.

Thủ tướng ghi nhận các giải pháp về thúc đẩy tăng trưởng bởi không tăng trưởng thì không giải quyết được vấn đề nợ công, việc làm, nhất trí việc tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, từ đó tạo môi trường đầu tư tốt hơn, nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Cải cách bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả khâu tổ chức triển khai
thực hiện. C. LUẬN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm