Bán nhà bằng giấy tờ giả

Tháng 10-2011, ông T. thỏa thuận mua căn nhà 252/47 Cao Thắng, quận 10 của một người tự xưng là chủ nhà tên Nguyễn Anh Tuấn (Tuấn “lừa” - phân biệt với gia chủ Tuấn “thật”) với giá 1 tỉ đồng. Sau khi đặt cọc 300 triệu đồng và giữ bản chính chủ quyền nhà thì người bán mất tích, điện thoại tắt máy nên ông T. (người mua) đành ngậm ngùi trình báo công an giải quyết.

Nhà giá rẻ - giấy tờ “ma”

Khi giáp mặt với chủ nhà thật, ông T. mới tá hỏa vì đã trót giao tiền cho một kẻ mạo danh lạ hoắc. Kết quả giám định chủ quyền nhà ông T. đang giữ là giấy giả.

Chủ nhà Nguyễn Anh Tuấn “thật” cho biết có đăng báo rao bán nhà nhưng chưa từng bán cho ai. Gia chủ cũng ngỡ ngàng khi đi đổi chủ quyền nhà thì phát hiện giấy tờ gốc của mình cũng là giấy tờ giả.

Điều đáng ngờ là căn nhà mặt tiền này tại thời điểm đó được gia chủ đang cho thuê với giá 8 triệu đồng/tháng và đăng báo rao bán với giá 4 tỉ đồng, quảng cáo ghi rõ là miễn trung gian. Thế nhưng vẫn có một nhóm “cò” giới thiệu ông T. đến gặp kẻ lừa đảo để mua nhà với mức giá rẻ vô lý so với thị trường và việc đặt cọc diễn ra tại một quán cà phê.

Bán nhà bằng giấy tờ giả ảnh 1

Hai căn nhà từng bị nhóm lừa đảo đánh tráo bộ hồ sơ chủ quyền. Ảnh: TỐ NHƯ

Tháng 12-2011, ông ĐVH gửi đơn tố cáo một nhóm giả mạo chủ nhà: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Long, Vũ Duy Thiện và Nguyễn Thị Ánh Hồng đã bán cho ông đến… ba căn nhà giấy tờ giả (gồm: nhà 252/47 Cao Thắng, quận 10; nhà F4 đường 30 KTT Khánh Hội, quận 4; nhà 343/2B Tô Hiến Thành, quận 10). Sau khi công chứng hợp đồng mua bán nhà, ông ĐVH giao 2,6 tỉ đồng tiền đặt cọc mua ba căn nhà thì nhóm giả mạo này lặn mất tăm. Trong đó, đối tượng Nguyễn Anh Tuấn có đặc điểm nhận dạng giống với Tuấn “lừa” đã lấy 300 triệu đồng tiền cọc của ông T. trước đó.

Người mua chủ quan

Trong khi gia chủ đăng báo rao bán nhà 252/47 Cao Thắng 4 tỉ đồng, nhà 343/2B Tô Hiến Thành 3,6 tỉ đồng thì nhóm giả mạo đem bán những căn nhà này cho người bị hại với mức giá thấp hơn một nửa. Kỳ lạ hơn là nhóm lừa đảo ký hợp đồng công chứng bán nhà và giao toàn bộ hồ sơ chủ quyền mà chỉ nhận tiền đặt cọc vài trăm triệu đồng/căn. Còn người bị hại không nghi ngờ gì những căn nhà giá rẻ, nhiều tháng sau vẫn không tiến hành giao nhận nhà trên thực tế và cũng hờ hững không thèm làm tiếp thủ tục đăng bộ chủ quyền sang tên mình.

Thời điểm này, Chi cục Thuế quận 10 cũng phát hiện hồ sơ chuyển nhượng nhà 436B/42/17 Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10 có nghi vấn giả mạo nên đã chuyển Công an quận 10 làm rõ. Theo bà NTT trình báo, nhóm môi giới đã giới thiệu một người tên Tuấn - tự xưng là con của chủ nhà đến thế chấp căn nhà này vay 800 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận ra văn phòng công chứng làm hợp đồng mua bán thay vì hợp đồng vay tiền. Đến hạn nhưng không thấy người vay tới trả tiền, bà T. đi làm thủ tục nộp thuế trước bạ và đăng bộ chủ quyền nhà thì cơ quan chức năng quận 10 phát hiện hồ sơ có giấy tờ giả. Cú lừa ngoạn mục này cũng do Nguyễn Anh Tuấn - Tuấn “lừa” - tác giả thực hiện những phi vụ lừa đảo trước đó.

Phù phép đánh tráo chủ quyền nhà

Theo kết quả giám định, trong năm vụ lừa đảo có hai vụ nhóm lừa đảo dùng chính giấy chủ quyền thật của chủ nhà để đi lừa tiền. Còn gia chủ đến lúc này mới ngỡ ngàng nhận ra chủ quyền trong tay mình giữ đã bị đánh tráo đồ giả. Theo trình báo, gia đình họ đã đăng báo rao bán hai căn nhà trên và có một người tên Thủy trên 30 tuổi, da ngâm đen, giọng nói miền Nam đến xem nhà, phôtô bộ hồ sơ giấy tờ nhà. Sau đó, người này nhiều lần quay lại đòi xem bản chính để trả giá. Cơ quan điều tra cho biết có khả năng sau khi phôtô và làm giả bộ hồ sơ chủ quyền nhà, nghi phạm táo tợn quay lại mượn cớ xem bản chính rồi thừa dịp gia chủ sơ hở để đánh tráo chủ quyền thật.

Theo người môi giới khai trình, Thủy - người giao họ rao bán căn nhà trên là Lê Thị Thu Anh (ngụ 2/13 Bửu Đình, phường 5, quận 6). Thậm chí trong vụ lừa ông T. 300 triệu đồng, Thủy còn làm chứng việc ông T. giao tiền cọc cho Tuấn “lừa”.

Chủ nhà F4 đường 30 KTT Khánh Hội, quận 4 cung cấp thêm: Cũng có một người tên Thủy (nhân dạng như trên) đã đến hỏi mua nhà, phôtô giấy tờ nhà, sau đó thuê căn nhà để ở nhưng chưa đóng tiền nhà đã bỏ đi.

Cơ quan điều tra tiến hành xác minh thì được biết đương sự chuyển về tạm trú trên đường Bãi Sậy nhưng khi đến nơi thì không có đối tượng này. Hiện Công an quận Bình Tân cũng đang truy tìm đương sự Thu Anh vì có liên quan trong một vụ làm giấy tờ giả khác.

Hiện cơ quan điều tra Công an TP.HCM đang truy tìm nhóm nghi can trên.

Có "lò" sản xuất giấy tờ giả

Gần đây giấy tờ giả “tấn công” các đơn vị công chứng đến mức báo động. Các giấy tờ giả: chủ quyền nhà, CMND, hộ khẩu… không phải cạo sửa thô sơ mà được làm giả tinh vi đến mức các cơ quan nhà nước cấp giấy đó cũng không phân biệt nổi “thật - giả” mà phải nhờ giám định kỹ thuật hình sự.

Rõ ràng cá nhân đơn lẻ muốn đi lừa đảo cũng khó có điều kiện, máy móc để làm giả hàng loạt như vậy mà phải có những “lò” sản xuất giấy tờ giả cung cấp. Mong cơ quan điều tra sẽ nhanh chóng triệt phá tận gốc những đường dây làm giấy tờ giả.

Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần quan tâm làm rõ những giao dịch bất thường. Mua bán nhà là khối tài sản giá trị lớn, trong khi các đơn vị nỗ lực phòng, chống giấy tờ giả thì một số giao dịch mua bán rất lỏng lẻo. Tại sao có người cùng lúc lại mua trúng nhiều căn nhà giấy tờ giả như vậy? Quá trình tiếp xúc mua bán nhà như thế nào? Thực chất quan hệ giao dịch giữa họ là gì? Tại sao họ chỉ ký công chứng hợp đồng mua bán nhà mà không giao nhận nhà và làm các thủ tục đăng bộ tiếp theo?

Ông PHẠM XUÂN THỌ,
Trưởng văn phòng Công chứng Trung Tâm

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm