Bán nhà vượt ủy quyền

Đọc báo, ông D. biết ông C., giám đốc một công ty tư vấn ở quận Gò Vấp (TP.HCM), sẽ giúp ông vay được vốn của ngân hàng với mức phí thấp.

Nhờ vay vốn nhưng bị bán nhà

Giữa năm 2009, vợ chồng ông D. đã đến công ty của ông C. để nhờ vả. Ông giám đốc này trực tiếp tư vấn: “Muốn vay ngân hàng thì phải làm hợp đồng ủy quyền cho tôi được toàn quyền sử dụng, mua bán căn nhà mà ông đang ở. Thời hạn ủy quyền là 20 năm”. Cảm nhận vị giám đốc này cũng đáng tin tưởng nên ông D. gật đầu. Sau đó, vợ chồng ông D. giao toàn bộ bản chính giấy tờ nhà cho vị giám đốc để vay vốn giúp mình.

Cầm được giấy ủy quyền, giấy tờ nhà, ông giám đốc đã bán căn nhà trên lấy 500 triệu đồng. Đến tháng 7-2009, khi cán bộ phường báo căn nhà đã bị bán thì ông bà D. mới tá hỏa. Hai ông bà vội vàng khởi kiện ông giám đốc, yêu cầu tòa hủy hợp đồng ủy quyền, hủy hợp đồng mua bán nhà.

Ủy quyền vô hiệu

Xử sơ thẩm mới đây, TAND quận Gò Vấp nhận định trước khi ký hợp đồng ủy quyền, giữa nguyên đơn và bị đơn không quen biết hay giao dịch gì. Khi gặp, ý chí của nguyên đơn là ký ủy quyền chỉ nhằm nhờ vay vốn chứ không có ý gì khác. Nhưng sau đó, bị đơn lại bán nhà và không giao tiền cho bên ủy quyền. Như vậy bên được ủy quyền đã vi phạm quy định ủy quyền. Do vậy, hợp đồng ủy quyền vô hiệu.

Bán nhà vượt ủy quyền ảnh 1

“Còn phía người mua nhà, dù rằng việc mua bán là hợp pháp. Nhưng theo quy định đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, giao dịch giữa nguyên bị đơn đã vô hiệu thì giao dịch của bị đơn và người mua nhà cũng vô hiệu...” - tòa nhận định tiếp.

Cuối cùng tòa quyết: “Bị đơn phải hoàn trả toàn bộ giấy tờ nhà cho nguyên đơn. Bị đơn phải trả lại số tiền mua bán nhà cho người mua nhà đồng thời phải bồi thường gần 600 triệu đồng phần chênh lệch giá nhà mà bên mua bị thiệt hại. Người mua nhà cũng phải trả lại nhà cho nguyên đơn”.

Người thứ ba… khổ

Sau vụ án, người mua nhà nhiều lần than thở vì bỗng dưng bị vướng vào những việc không hay. Bà này cho hay để bảo vệ quyền lợi của mình, bà đã kháng cáo bản án, yêu cầu tòa phúc thẩm chấp nhận hợp đồng mua bán nhà trước đây của bà. Bà lý giải, dù rằng tòa đã tuyên bị đơn phải trả lại tiền mua bán nhà và phần chênh lệch cho bà nhưng từ khi vụ kiện xảy ra, bị đơn không một lần đến tòa. Khi tòa tuyên án cũng không thấy mặt bị đơn đâu. Bà đã tìm nhưng bị đơn biệt tăm. Như vậy phần án dành cho bà có khả năng khó thực thi nên bà kháng cáo như trên…

Kiểm tra kỹ để tránh rủi ro

Bộ luật Dân sự còn thiếu sót trong việc nghiên cứu một cơ chế riêng bảo vệ cho người thứ ba ngay tình. Những người này mua nhà dựa vào giấy tờ hợp pháp đã được cơ quan thẩm quyền chứng nhận. Cho nên họ bức xúc trong việc phải trả lại nhà đã mua đúng luật cũng là điều không tránh khỏi. Do vậy, vấn đề này cũng cần phải được quan tâm nghiên cứu để đưa ra cách xử lý hợp lý nhất.

Còn hiện nay, để tránh rơi vào trường hợp này thì cách tốt nhất vẫn là người mua nên cẩn thận, đừng ham rẻ và kiểm tra thật kỹ khi mua nhà. Tốt nhất họ nên gặp chủ nhà để hỏi cho rõ ràng trước khi mua dù người bán có giấy ủy quyền hợp pháp hay giấy tờ nhà hợp pháp. Không gì tốt hơn là tự bản thân phải cẩn thận.

Luật sư LÊ VĂN BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm