Ban quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM có sếp mới

Ông Bùi Xuân Cường sinh năm 1975 có bằng cấp chuyên môn là kỹ sư cầu đường, thạc sỹ kỹ thuật.

Trước đây ông Cường là Trưởng phòng Phòng Quản lý Giao thông (sau này tách ra thành Phòng Quản lý Xây dựng Công trình giao thông và Phòng Quản lý Khai thác Hạ tầng Giao thông Đường bộ) thuộc Sở GTVT TP.HCM.

Cuối năm 2009 ông Cường được UBND TP bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở và đảm nhiệm chức vụ này cho đến khi được điều động làm Trưởng ban MAUR trực thuộc UBND TP.

Hiện MAUR được giao làm chủ đầu tư trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống tàu điện ngầm trên địa bàn TP.HCM, với tổng vốn đầu tư ở từng dự án là con số rất lớn.

Theo quy hoạch, TP.HCM có bảy tuyến tàu điện ngầm. Ngoài ra còn có ba tuyến xe điện mặt đất, gồm tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn - bến xe miền Tây, ngã tư quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh - quận 2 và tuyến số ngã sáu Gò Vấp - vông viên phần mềm Quang Trung - Tân Thới Hiệp.

Trong hệ thống metro ở TP.HCM thì tuyến Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1) có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD đã được thi công đồng loạt hệ thống cầu cạn. Mới đây, ngày 21-8 liên danh nhà thầu Shimizu - Meada đã thi công nhà ga ngầm nhà hát thành phố của tuyến metro số 1. Dự kiến, toàn bộ tuyến metro số 1 sẽ chạy thử nghiệm năm 2019 trước khi đưa vào khai thác thương mại từ năm 2020.

Tuyến metro số 2, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) đã khởi công depot. Dự án có điểm đầu kết nối vào nhà ga Bến Thành của tuyến metro số 1 và điểm cuối tại Tham Lương ở quận 12. Giai đoạn 2 sẽ kéo dài hai đầu, một đầu kéo dài về bến xe Tây Ninh ở khu Tây Bắc huyện Củ Chi, một đầu kéo dài qua khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ở giai đoạn 1 dự án metro số 2 có tổng mức đầu tư khoảng 1,25 tỉ USD. Tuy vậy, MAUR đang nghiên cứu điều chỉnh thiết kế các ga ngầm để thu hẹp đất giải tỏa. Việc điều chỉnh này đi kèm với nhiều thay đổi, yêu cầu kỹ thuật và ước tính tổng vốn đầu tư của tuyến này cũng sẽ tăng, đạt tương đương như tuyến metro số 1.

Tuyến metro số 3a (giai đoạn 1 từ Bến Thành - Bến xe Miền Tây; giai đoạn 2 kéo dài đến ga Tân Kiên, huyện Bình Chánh) đã được UBND TP đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn 2014 - 2016 cho dự án.

Tuyến 3b: Ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước.

Tuyến metro số 4 được chia làm 2 tuyến là 4a (từ Thạnh Xuân, quận 12 đến Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) và 4b (ga công viên Gia Định - sân bay Tân Sơn Nhất - ga Lăng Cha Cả) đang được nghiên cứu.

Tuyến metro số 5 (giai đoạn 1 Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) đang được hoàn tất thủ tục để đăng ký các khoản hỗ trợ kỹ thuật và khoản vay từ nguồn hỗ trợ chuẩn bị và khởi động dự án của các nhà tài trợ. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2015 - 2022. Giai đoạn 2 (từ Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc, huyện Bình Chánh) dự kiến thực hiện từ năm 2016 - 2024. Hiện Anh và Hàn Quốc bày tỏ quan tâm đầu tư giai đoạn 2.

Tuyến metro số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm) đang hoàn chỉnh thiết kế cơ sở xem xét. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài vào tháng 4-2014.

* Cùng ngày, ông Lê Hoàng Quân cũng trao quyết định điều động, bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Nhà Bè Trần Hải Yến (sinh năm 1972, Thạc sỹ Chính trị, Cử nhân Luật) giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm