Bán rượu bia sau 22 giờ sẽ bị phạt?

“Người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người có bệnh lý có thể bị cấm uống rượu. Việc bán rượu bia có thể bị cấm sau 22 giờ và trong thời gian nghỉ giữa các ca trong giờ làm việc”. đó là một số nội dung trong dự thảo lần 1 Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Vụ Pháp chế, Bộ Y tế xây dựng.

Cấm bán từ 22 giờ tới 6 giờ sáng

. Phóng viên: Thưa ông, dựa trên cơ sở nào để Bộ Y tế xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia?

+ TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (ảnh): Phòng chống tác hại thuốc lá và tác hại rượu bia là hai vấn đề rất quan trọng. Rượu bia nếu uống mức độ vừa phải, trong hàm lượng cho phép, phù hợp với thể chất con người Việt Nam sẽ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu lạm dụng dẫn tới nghiện sẽ gây tác hại lớn đối với người sử dụng.

Người lạm dụng rượu bia có thể mắc các bệnh liên quan đến tâm thần, xơ gan, ung thư, các bệnh tim mạch, huyết áp, sức khỏe tình dục… Rượu bia còn gây ra các rối loạn về hành vi, dẫn đến việc không kiểm soát được bạo lực gia đình, thậm chí đánh nhau dẫn đến chết người. Ngoài ra, kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy 60% TNGT có liên quan đến say rượu, bia.

Để hạn chế những vấn đề trên, Quốc hội đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng luật này và đưa vào chương trình xây dựng Luật Pháp lệnh nhiệm kỳ khóa 13.

. Cơ sở nào để Bộ Y tế đưa ra quy định cấm bán rượu, bia từ 22 giờ đến 24 giờ, thưa ông?

+ Tôi xin đính chính lại, dự thảo quy định thời gian cấm bán rượu bia là từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Còn vì sao lại có quy định này thì tôi xin trả lời: Trước tiên, khi xây dựng dự thảo luật, chúng tôi phải thu thập các văn bản luật của nước ngoài để tham khảo, thu thập bằng chứng khoa học trong và ngoài nước để làm căn cứ xây dựng.

Sau khi tham khảo từ nhiều nguồn, chúng tôi nhận thấy đa số các nước trên thế giới đều có quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ. Lý do là sau thời điểm này uống rượu, bia rất có hại cho sức khỏe, đồng thời gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng người xung quanh. Còn mọi người mua về nhà uống thì không ai cấm được.

Tôi xin dẫn chứng, ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore chỉ cho phép bán rượu từ 17 giờ đến 22 giờ.

Theo dự thảo luật, rượu, bia chỉ được phép bán tới 22 giờ. (Ảnh chụp khuya ngày 16-7 trên đường Trường Sa, TP.HCM)

Không tuân thủ sẽ bị phạt

. Hiện giấy phép của các cơ sở kinh doanh ăn uống đều cho phép hoạt động đến 23-24 giờ. Nếu bây giờ chỉ cho phép bán rượu đến 22 giờ thì có vướng mắc gì không, thưa ông?

+ Đúng là các cơ sở kinh doanh được phép hoạt động đến 24 giờ. Tuy nhiên, khi kinh doanh những mặt hàng có điều kiện thì phải tuân thủ quy định đặc thù. Rượu bia là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Trong giờ cấm, các hàng quán chỉ không được bán rượu bia thôi, còn các mặt hàng khác vẫn được phép kinh doanh theo đăng ký.

. Chúng tôi rất băn khoăn về tính khả thi của phương án này, bởi lực lượng chức năng không thể thường xuyên giám sát các hàng quán có bán rượu bia quá giờ cho phép không. Làm sao kiểm soát được người mua đã uống quá lượng cho phép rồi để không bán nữa?

+ Khi xây dựng dự thảo chúng tôi đã nghĩ tới điều này. Khả thi hay không còn phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người và trách nhiệm công dân, trách nhiệm pháp lý. Luật có khả thi, có thực tế hay không còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành, hiểu và chấp hành đúng quy định của pháp luật của mỗi người. Các nước trên thế giới cũng thường tuyên truyền, kêu gọi uống rượu bia phải có trách nhiệm và mỗi người cần tự điều chỉnh hành vi của mình.

. Theo ông lực lượng nào sẽ xử phạt nếu xảy ra sai phạm?

+ Về xử phạt, đó là các lực lượng thanh tra như quản lý thị trường, thanh tra y tế, thanh tra ngành kế hoạch đầu tư (cấp giấy phép kinh doanh), rồi tiếp nữa là chủ tịch UBND các cấp.

Công tác thanh tra, kiểm tra phải được tổ chức thường xuyên, khi phát hiện vi phạm thì xử phạt nghiêm, thậm chí rút cả giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu làm thật nghiêm thì nhận thức của mọi người sẽ thay đổi.

. Xin cảm ơn ông.

HUY HÀ thực hiện

Dự thảo của Bộ Y tế quy định người mua dưới 18 tuổi là phụ nữ mà người bán nhận biết rõ ràng đang có thai, người đã uống quá đơn vị rượu, bia được phép uống thì người bán không được bán rượu, bia để người mua uống tại chỗ.

Dự thảo cũng quy định không được bán rượu ở cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, nơi làm việc, địa điểm cấm bán rượu, bia. Không bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ, không bán bằng máy bán hàng tự động, qua mạng Internet.

Ngoài ra, người bán chỉ được bán rượu, bia cho một người uống tại chỗ với hàm lượng tối đa không quá một đơn vị rượu/giờ, ba đơn vị rượu/ngày đối với nam và 1/2 đơn vị rượu/giờ, hai đơn vị rượu/ngày đối với nữ.

Đơn vị rượu là đơn vị đo lường dùng để quy đổi lượng rượu, bia, đồ uống có cồn với nồng độ khác nhau, tương đương với 10 g etanol nguyên chất chứa trong dung dịch uống (khoảng 2/3 chia bia 550 ml hoặc một lon bia 330ml 5%, một cốc bia hơi 330 ml, một ly nhỏ 100 ml rượu vang 13,5%, một chén rượu mạnh 40%-43%).

___________________________________

Bị phạt cũng đành chịu

Theo giấy phép kinh doanh do Sở KH&ĐT cấp, nhà hàng tôi được phép kinh doanh đến 23 giờ. Nếu đến gần 22 giờ nhiều khách hàng gọi thêm bia rượu, chẳng lẽ chúng tôi không bán? Nếu như phạt thì tôi cũng đành chịu, vì nếu không sẽ mất khách.

Chủ một nhà hàng hải sản ở quận 10

Có nhiều cách né

Nếu quy định một người không được uống quá một đơn vị rượu/giờ thì chúng tôi cũng có thể lách được. Khách uống hết ly nào, chúng tôi mới mang rượu từ trong quầy ra rót tiếp, ai có thể kiểm tra được?

Quy định cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi cũng rất khó thực hiện. Vì hiện nay xã hội phát triển, trẻ em được chăm sóc đầy đủ nên phát triển rất nhanh. Không lẽ mỗi lần khách trẻ tuổi vào quán chúng tôi phải bắt đưa chứng minh nhân dân để kiểm tra? Đối với nội dung này thì tụi tôi chỉ đành chịu phạt thôi.

Chủ một quán nhậu trên đường Lê Bình, quận Tân Bình

MINH QUÝ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm