'Báo cáo láo, nịnh bợ, chém gió không phải hiếm'

Sáng 4-7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về việc học tập tư tưởng của Hồ Chí Minh trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho hay trong 10 năm qua chưa có cuộc vận động nào được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm như phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nói thực hành đời sống văn hóa trước hết là rèn luyện cần, kiệm, liêm, chính. Ảnh: KỲ ANH

“70 năm qua, tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và là điểm tựa để thực hiện phong trào này. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận thức phải đi đôi với thực hành đời sống mới. Việc chỉ đạo phong trào mới phải làm sao cho mỗi người tiếp cận được tư duy của Bác” - ông Trần Thanh Mẫn nói.

Theo ông Mẫn, thực hành đời sống văn hóa mới trước hết là rèn luyện “cần, kiệm, liêm, chính”, chống chủ nghĩa cá nhân và phải toàn tâm vì dân, vì nước. “Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến vấn đề ứng xử cá nhân với những phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính”.

TS Lê Đức Hoàng (bộ phận chuyên trách Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Tuyên giáo Trung ương) cũng coi tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Tân Sinh có ý nghĩa quan trọng cho đến thời điểm này.

“Chúng ta có thể tìm thấy từ tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều gợi ý vô cùng quý báu để vận dụng vào thực tiễn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn hiện nay”.

TS Lê Đức Hoàng cho rằng nếu là người có trách nhiệm với Đảng, với nước thì phải nhìn thấy những mặt trái đang cản trở phát triển. Ảnh: KỲ ANH

Ông Hoàng nhận định xét cho cùng, mục tiêu xây dựng nông thôn mới đều hướng đến đời sống mới với trọng điểm là ở nông thôn, “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc” cho nông dân, đem lại đời sống “đầy đủ hơn về vật chất, vui mạnh hơn về tinh thần” như Bác Hồ đã chỉ ra.

Sau khi liệt kê một loạt những nhiệm vụ trọng điểm trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, TS Hoàng cho rằng cần phải rút ra từ tác phẩm Đời sống mới những nội dung quan trọng.

Chẳng hạn đối với cá nhân phải “sốt sắng yêu Tổ quốc. Việc gì lợi cho nước phải ra sức làm. Việc gì hại đến nước phải hết sức tránh. Hai là sẵn lòng công ích. Bất kỳ việc to việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm. Mình hơn người thì chớ kiêu căng. Người hơn mình thì chớ nịnh hót. Thấy của người thì chớ tham lam. Đối của mình thì chớ bủn xỉn. Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, lòe loẹt. Cách làm việc, phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Cách cư xử, đối với đồng bào thì nên thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ. Biết ham học… Ai cũng làm như thế thì tự nhiên nước Việt Nam ta trở nên một nước mới, một nước văn minh”.

TS Hoàng cho rằng nếu là người có trách nhiệm với Đảng, với nhân dân và yêu Tổ quốc, yêu đồng bào thì phải nhìn nhận những mặt trái đang cản trở bước tiến của đất nước.

Sau khi liệt kê một số mặt trái khác, TS Hoàng nhấn mạnh: “Ngoài xã hội có nhiều tình huống vô cảm, vô trách nhiệm; hiện tượng nói tục, nói phét, nói dối tràn lan. Lãng phí, thất thoát của công, mạt sát nhau, “ăn bớt - ăn bẩn”, báo cáo láo, nịnh bợ, chém gió không phải hiếm thấy”.

Ông Hoàng cũng không quên đề cập đến việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, dỏm, độc hại đến tính mạng con người và hiện tượng “chạy hóa”. “Nhiều hoạt động “chạy hóa” (chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chức, chạy việc, chạy dự án, chạy tội…) và thậm chí “tiền hóa” cả nhân cách” - TS Hoàng nêu.

Về công tác tuyên truyền, TS Hoàng trích dẫn Hồ Chí Minh toàn tập và nói rằng: “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm mà tự mình thì xa xỉ, lung tung thì tuyên truyền 100 năm cũng vô ích”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm