Bão số 9: Bến Tre, Tiền Giang cấm tàu thuyền ra khơi

Để ứng phó với bão số 9 (Usagi) đang có khả năng di chuyển đến vùng biển các tỉnh miền Tây, chiều 23-11, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bến Tre đã có thông báo gửi lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, các huyện, thành phố về việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển tìm nơi trú tránh an toàn.

Tàu thuyền cập bến tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, Bến Tre.

Theo đó, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Bến Tre sẽ chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan và các huyện, thành phố trong tỉnh quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 17 giờ chiều nay (23-11) cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời hướng dẫn sắp xếp, tàu thuyền neo đậu tại các khu trú tránh đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng yêu cầu Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục phối hợp thực hiện việc theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền, liên tục cập nhật thông tin, tìm mọi biện pháp thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng để chủ động phòng tránh, thoát khỏi hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; tìm nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nhằm kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra khi bão ảnh hưởng trực tiếp trên địa bàn tỉnh.

Các huyện, thành phố, đặc biệt là ba huyện biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, triển khai thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” trong công tác phòng tránh, ứng phó bão; rà soát, chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, đặc biệt là phương án di dời, sơ tán dân. Chủ động quyết định việc sơ tán, di dời dân tại địa phương khi có tình huống xấu để đảm bảo an toàn. 

Để chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại do bão gây ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan, đơn vị làm nhiệm vụ phải tổ chức trực ban 24/24 giờ (từ ngày 23-11 đến khi có bản tin cuối cùng về cơn bão số 9) để theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão nhằm ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Còn tại Tiền Giang, sáng 23-11, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 9.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lưu ý đây là cơn bão diễn biến phức tạp nên các cấp, các ngành và nhân dân địa phương, nhất là các huyện, thị ven biển Gò Công cần đề cao cảnh giác và có biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ”. Trong đó, cần tuyên truyền, cập nhật thông tin diễn biến đường đi và ảnh hưởng của bão kịp thời để nhân dân biết và chủ động ứng phó.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan phải tổ chức trực 24/24 giờ trong thời gian bão diễn ra đồng thời thực hiện những giải pháp khẩn cấp: Kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển tránh xa khu vực nguy hiểm mà ngành chức năng đã cảnh báo; tuyệt đối nghiêm cấm tàu thuyền và phương tiện ra khơi. Tỉnh cũng giao các đơn vị liên quan phối hợp cùng nhân dân khu vực ven biển khẩn trương chằng chống nhà cửa, rà soát đảm bảo an toàn các bến bãi, bến phà, đò ngang… cũng như cơ sở vật chất những nơi dự kiến sơ tán dân đến trong trường hợp khẩn cấp. 

Theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Tiền Giang, đến sáng 23-11, địa phương đã kêu gọi toàn bộ 374 phương tiện đánh bắt ven bờ vào nơi trú tránh an toàn. Khoảng 1.000 phương tiện đánh bắt xa bờ khác của tỉnh đều hoạt động ngoài vùng nguy hiểm của bão và đang giữ liên lạc thường xuyên với đất liền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm