Bầu Kiên thao túng hoạt động ACB?

Chiều 22-5, ngày xử thứ ba vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, HĐXX TAND TP Hà Nội tập trung thẩm vấn làm rõ vai trò của bầu Kiên trong việc ủy thác cho các nhân viên ACB mang tiền của ngân hàng này đi gửi ở các ngân hàng khác nhằm hưởng lãi suất vượt trần.

“Ý kiến của anh Kiên rất có trọng lượng”

Tại tòa, các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB đều khẳng định: Bầu Kiên là cổ đông lớn, có uy tín trong ngân hàng nên ý kiến “rất có trọng lượng”. Bị cáo Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB) khai: Ở ACB, ông Kiên, ông Hùng (Trần Mộng Hùng - chủ tịch hội đồng sáng lập) là những người có quyền lực nhất.

Bị cáo Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB) cho biết: Ở ACB, đến năm 2010 có khoảng 20.000 cổ đông. Trong đó có hai gia đình cổ đông lớn là gia đình ông Hùng (sở hữu 14%-15%) và gia đình ông Kiên (hơn 10%). “Hai cổ đông lớn nhất là ông Hùng và ông Kiên - giữ chức chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng sáng lập. Tôi và ông Quang là thành viên hội đồng. Cho đến thời điểm 2010, thường ông Hùng, ông Kiên bàn xong rồi mới thông báo cho ông Cang và ông Quang biết rằng hai ông đã bàn xong…” - bị cáo Cang khai. (Ngày 31-12-2010, ông Cang có đơn xin từ nhiệm chức phó chủ tịch HĐQT - PV).

Cảnh sát dẫn giải bị cáo Nguyễn Đức Kiên ra tòa. Ảnh: TTXVN

Bầu Kiên khai tại cuộc họp giao ban thường kỳ của các thành viên HĐQT đều có mời thành viên hội đồng giám sát tham gia. Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải có đề xuất ban điều hành ủy thác cho các nhân viên gửi tiền ở các ngân hàng khác. Các thành viên không thảo luận về việc này mà ông Trần Xuân Giá (chủ tịch HĐQT) yêu cầu từng thành viên HĐQT phát biểu ý kiến rồi biểu quyết. “Tôi không được yêu cầu phát biểu nhưng nếu được phát biểu thì tôi cũng sẽ đồng ý với các đề nghị của anh Hải” - Kiên nói.

Làm không đúng sẽ dùng quyền cổ đông lớn cách chức

Chủ tọa hỏi bầu Kiên: “Các bị cáo khác khai khi Hải đề xuất thì bị cáo chấp thuận?”. Bầu Kiên: “Tôi không biết các thành viên khác khai thế nào, tôi chỉ khai những gì tôi biết và chứng kiến. Tôi khẳng định tôi không có vai trò gì ở ACB để có thể chỉ đạo được bất cứ ai. Vì ở ACB có hai quy định: Một, các văn bản, các ý kiến của thành viên các hội đồng đều phải được lập thành văn bản. Tôi khẳng định cho đến thời điểm tôi bị bắt, ở ACB không có bất kỳ ý kiến nào của tôi về nội dung này. Hai, từng thành viên hoạt động tại ACB đều có bảng mô tả chức danh, chức năng, nhiệm vụ của từng cá nhân. Theo đó, không có bất kỳ bảng mô tả nào cho phép nhận chỉ đạo từ tôi”.

Chủ tọa dẫn lời khai của bị cáo Lê Vũ Kỳ: “Chủ trương ủy thác cho các nhân viên mang tiền của ACB đi gửi ở các ngân hàng khác do anh Kiên chỉ đạo. Anh Kiên là cổ đông lớn của ACB. Kiên và người nhà sở hữu khoảng 9%-10% cổ phần ACB”. Tương tự, bị cáo Trịnh Kim Quang khai: “Do ông Kiên muốn thôi chức vụ khỏi HĐQT để thành lập công ty bên ngoài nhưng vẫn kiểm soát được ACB nên đã thành lập hội đồng sáng lập. Tại cuộc họp hội đồng sáng lập, ông Kiên nói: “Tuy tôi không tham gia HĐQT nhưng là cổ đông lớn. Nếu ông nào làm không đúng thì sẽ dùng phiếu cổ đông lớn để cách chức…”.

Bầu Kiên bình tĩnh đáp: “Từng người phải chịu trách nhiệm về lời khai của mình trước pháp luật. Tôi không bình luận về lời khai của những người khác…”.

Chủ tọa trích lời khai của bị cáo Lý Xuân Hải: “Khi ông Kiên đồng ý tôi mới chỉ đạo gửi 718 tỉ đồng vào VietinBank để lấy lãi cao hơn lãi suất trần”.

Bầu Kiên đáp: “Lời khai của bị cáo Hải mà tôi được nghe từ ông chủ tọa, tôi tin đó là lời khai thật của anh Hải. Nhưng bản chất lời khai đó đúng sự thật ra sao là hai khái niệm khác nhau. Tôi khẳng định hoàn toàn không biết việc ACB gửi tiền tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào, không nhận được bất kỳ báo cáo bằng văn bản của thường trực HĐQT, ban điều hành ACB về nội dung gửi tiền tại VietinBank”.

Bầu Kiên phủ nhận cáo buộc trốn thuế

Cuối giờ sáng 22-5, HĐXX xét hỏi làm rõ hành vi trốn thuế của Công ty B&B do bầu Kiên làm chủ tịch HĐQT. Theo cáo trạng, do biết Quốc hội có nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong sáu tháng đầu năm 2009, để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp cho B&B, theo chỉ đạo của bầu Kiên, bà Đặng Ngọc Lan (Tổng Giám đốc B&B, vợ bầu Kiên) đã ký hợp đồng ủy thác tài chính với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái bầu Kiên, cổ đông B&B). Nội dung hợp đồng: Bà Hương ủy thác cho Công ty B&B đầu tư vào việc kinh doanh vàng ghi sổ… Cũng trong ngày này, các bên còn ký với nhau bản phụ lục hợp đồng với nội dung bà Hương đồng ý để Công ty B&B ủy thác lại cho Ngân hàng ACB thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kinh doanh vàng…

Bầu Kiên khai: “Ở Công ty B&B, tôi là cổ đông chi phối trên 60%. Cá nhân tôi có quyền quyết định mọi hoạt động của công ty. Vợ tôi làm một số việc do tôi ủy quyền. Vợ tôi và em tôi mới kinh doanh nên mọi việc ở B&B tôi điều hành và chịu trách nhiệm”.

Tại tòa, đại diện Tổng cục Thuế cho biết trong công văn trả lời cơ quan CSĐT, Tổng cục Thuế cho rằng hợp đồng ủy thác giữa bà Hương và Công ty B&B là không hợp pháp. Theo kết luận giám định, thu nhập phát sinh tính thuế của B&B là trên 100 tỉ đồng, số thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng là 25 tỉ đồng.

Bầu Kiên nói: “Khi giám định viên thực hiện giám định việc thực hiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì phải giám định tất cả hợp đồng phát sinh trong năm, không loại trừ bất cứ hợp đồng nào. Tuy nhiên, kết luận giám định đã tách riêng hợp đồng của Hương là không đúng, vì vậy kết luận giám định hoàn toàn sai sự thật”.

Theo bầu Kiên, văn bản giám định đã thiếu một nội dung quan trọng, đến ngày 31-12 hằng năm, các cơ quan được quyền đánh giá lại tài sản vàng, ngoại tệ… để xác định lại tài sản của công ty. B&B đánh giá lại, nếu trừ đi 100 tỉ đồng của Hương thì vẫn lỗ 106 tỉ đồng nên không phải nộp thuế. B&B đã có nhiều văn bản yêu cầu Tổng cục Thuế xác định lại số thuế B&B phải nộp nhưng đến giờ B&B chưa nhận được bất kỳ thông báo thuế nào.

Hôm nay, tòa tiếp tục làm việc.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm