Bầu Kiên: ‘Tôi không được đối xử bình đẳng’

Diễn biến chính trong ngày thứ tám xét xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm (9-12), hai luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ACB và VietinBank tiếp tục phát biểu chỉ trích, đổ trách nhiệm cho nhau khi đề cập đến khoản tiền gần 718 tỉ đồng.

“Nguyên đơn ảo”, “bị hại ảo”

“Bản án sơ thẩm xác định ACB là nguyên đơn, mà bản chất là người bị thiệt hại nhưng lại không giải quyết phần trách nhiệm dân sự bồi thường trong vụ án này. Thành ra nguyên đơn ảo, người bị thiệt hại ảo. Vì vậy không biết có thiệt hại thật hay không?” - luật sư đại diện cho ACB nói.

Vị luật sư này cho biết ACB tập trung vào việc đòi nợ VietinBank trong vụ án Huyền Như lừa đảo chuẩn bị được xét xử phúc thẩm nên “đề nghị HĐXX không xem xét, thừa nhận, nhận định, xác định và kết luận về những tình tiết, sự kiện, vấn đề liên quan đến trách nhiệm dân sự và trách nhiệm bồi thường đối với 718 tỉ đồng của ACB gửi tại VietinBank trong phiên tòa này…”.

Đồng thời, phát biểu quan điểm về vụ án, luật sư của ACB vẫn khẳng định việc gửi tiền của ACB tại VietinBank là không sai. Theo luật sư, đây chỉ là một hoạt động ủy quyền dân sự, không phải là hoạt động kinh doanh, không phải là một dịch vụ cần phải xin phép vào thời điểm đó. Ủy thác chỉ là từ ngữ, bản chất là việc ACB giao nhiệm vụ cho nhân viên của mình gửi tiền, là hoạt động bình thường nhất, hoàn toàn không bị cấm, không bị hạn chế, không có yêu cầu về điều kiện kể cả thời điểm trước và sau khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực.

Trong khi luật sư đang bào chữa, bầu Kiên ngồi chăm chú đọc tài liệu. Ảnh: ĐỨC MINH

Dù đã bị nhắc nhở nhưng vị luật sư của ACB sau đó vẫn tiếp tục sử dụng những từ ngữ mà HĐXX cho rằng không phù hợp, như “thẻ tiết kiệm ma” hay “lỗi chết người của VietinBank”… Điều này khiến luật sư phải dừng giữa chừng phần trình bày của mình. Theo chủ tọa phiên tòa, luật sư “không được lợi dụng diễn đàn này để xúc phạm hay mạt sát những người khác”.

VietinBank và ACB “tố” nhau

Tại tòa, luật sư của VietinBank khẳng định ngân hàng này không có trách nhiệm trả ACB khoản tiền 718 tỉ đồng. “VietinBank không biết về thỏa thuận ngầm với lãi suất vượt trần, không biết nguồn tiền gửi là của ACB. VietinBank hoàn toàn không có lỗi đối với những sai phạm của lãnh đạo và nhân viên ACB, không có lỗi với những thỏa thuận ngầm trái pháp luật giữa nhân viên ACB với cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như, không có lỗi đối với sự tắc trách, vô trách nhiệm của các nhân viên ACB. Do vậy ACB tự chịu trách nhiệm về các sai phạm của mình” - luật sư nói.

Luật sư của VietinBank phân tích: ACB đã mượn tài khoản thanh toán của các nhân viên làm phương tiện thực hiện chuyển tiền theo các thỏa thuận ngầm, giao dịch bất hợp pháp với cá nhân Huyền Như nhằm mục đích kiếm lời bất chính. ACB tuy là chủ tài sản thực sự nhưng lại giao cho Huỳnh Thị Bảo Ngọc (phó phòng Quản lý quỹ của ACB), trong khi đó Ngọc đã được nhận từ Huyền Như 3,7 tỉ đồng nên cũng phó thác cho Như.

Tại phiên tòa, Huyền Như khai chỉ giao dịch với Ngọc và Ngọc có nói với Huyền Như: “Em làm kiểu nào thì làm, miễn sao lãi suất trả đủ cho bên chị”.

Luật sư cho rằng các nhân viên của ACB đã không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của chủ tài khoản thanh toán, không tổ chức hạch toán theo dõi số dư trên tài khoản, không đối chiếu giấy báo nợ, báo có mặc dù có đăng ký dịch vụ sao kê hằng tháng. Họ cũng không có ý kiến phản hồi với VietinBank khi tiền trong tài khoản bị trích chuyển đến các tài khoản của các đơn vị, cá nhân mà mình không có quan hệ kinh tế.

“Vì vô trách nhiệm với tài khoản nên các chủ tài khoản phải tự chịu trách nhiệm về thiệt hại” - luật sư này kết luận.

Cũng theo luật sư của VietinBank, lãnh đạo ACB đã lập tài liệu giả để kiện VietinBank vì biết đã bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 718 tỉ đồng. Luật sư sau đó dẫn lời khai của bị cáo Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ tại cơ quan điều tra: “Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa trình bày nếu các anh không ký lại thì ACB bị mất tiền có thể không đòi lại được”. Tại tòa, bị cáo Lý Xuân Hải cũng thừa nhận các tài liệu này là giả…

Trong phiên xử ngày 9-12, các luật sư đã hoàn thành bài bào chữa cho thân chủ, các bị cáo cũng được dành thời gian thực hiện quyền tự bào chữa. Riêng bầu Kiên xin phép HĐXX được “phân bổ sức, chiều nay nói một ít, mai nói một ít vì sức khỏe không tốt”. Bị cáo này mới tự bào chữa về tội kinh doanh trái phép.

Hôm nay, HĐXX tiếp tục nghe bầu Kiên tự bào chữa về những tội danh còn lại.

“Doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro vô cùng lớn”

Tự bào chữa tại tòa, bầu Kiên cho rằng tòa sơ thẩm nhận định bị cáo “kinh doanh núp dưới hình thức đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu” là nhận định sai lầm, rất nguy hiểm… “Nhận định sai này gây thiệt hại rất lớn cho tôi, gia đình tôi và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.  Và tôi cho rằng những người đang đầu tư kinh doanh như tôi trong 30 năm qua sẽ gặp phải rủi ro pháp lý vô cùng to lớn nếu như VKS vẫn giữ quan điểm như phần luận tội” - bầu Kiên nói tại tòa.

Bầu Kiên sau đó xin trình HĐXX giấy phép của Công ty Cổ phần Thăng Long, trong đó có ba cổ đông là ACB, ACBI và Tổng Công ty Đầu tư vốn và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Cả ba cổ đông này trong đăng ký kinh doanh không có mã 64990 (theo tòa sơ thẩm, hoạt động đầu tư tài chính, kinh doanh tài chính khác, mua bán cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng có mã số 64990 - PV). Công ty Hạ tầng Phố Nối có ba cổ đông là Công ty Chứng khoán ACBS, ACBI và Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Tập đoàn này cũng không đăng ký mã 64990. Công ty Cổ phần Ga hàng hóa Sài Gòn có năm đối tác liên doanh, trong đó có một tổng công ty rất lớn là Tổng Công ty Cụm cảng hàng không Việt Nam, tổng công ty này cũng không đăng ký mã 64990.

“Tôi không được đối xử công bằng, bình đẳng trước pháp luật như những công ty là đối tác của tôi trong cùng một dự án” - bầu Kiên khẳng định.

“Chờ hướng dẫn thì ngân hàng không hoạt động được”

Trong lời tự bào chữa, cựu CEO của ACB Lý Xuân Hải cho rằng thời điểm ACB thông qua chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền thì Luật Các tổ chức tín dụng 2010 chưa được ban hành. Sau 1-1-2011, khi luật này có hiệu lực, việc ACB tiếp tục thực hiện chủ trương ủy thác là phù hợp với thông lệ áp dụng pháp luật. Bị cáo Hải cho biết từ trước đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn hướng dẫn “khi chưa có văn bản mới hướng dẫn thì vẫn áp dụng văn bản cũ”.

“Trên thực tế, sau khi luật ban hành thì cần thêm 50 văn bản dưới luật, nếu chờ hướng dẫn mới thực hiện thì ngân hàng không hoạt động được” - bị cáo Lý Xuân Hải nói.

Bị cáo Hải cũng nêu Điều 106 luật nói trên quy định về hai hoạt động là ủy thác và đại lý nhưng không hiểu vì sao Ngân hàng Nhà nước lại yêu cầu hoạt động ủy thác phải chờ hướng dẫn mới được tiếp tục thực hiện trong khi hoạt động đại lý, các ngân hàng vẫn làm đại lý thanh toán cho nhau thì lại không yêu cầu phải chờ hướng dẫn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm