Bầu Kiên: “Tôi làm đúng quy định”

Ngày 21-5, ngày xử thứ hai, TAND TP Hà Nội chuyển qua phần xét hỏi về hành vi kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên, tức bầu Kiên. “Tôi đồng ý với tất cả số liệu ghi trong cáo trạng nhưng không đồng ý về hành vi. Cáo trạng ghi sai, không đúng bản chất hoạt động công ty, không đúng pháp luật” - bầu Kiên nói.

Cơ quan chức năng lúng túng

Cáo trạng quy kết Nguyễn Đức Kiên thành lập, đồng thời là chủ tịch HĐQT/chủ tịch HĐTV của sáu công ty. Bầu Kiên bị buộc tội kinh doanh trái phép thông qua cả sáu công ty này.

Đáp lại, dẫn các điều 4, 7, 8 Luật Doanh nghiệp (DN), Điều 26 Luật Đầu tư…, bầu Kiên khẳng định các công ty này đã thực hiện các khoản đầu tư đúng các quy định của pháp luật. Bầu Kiên cho rằng trong số gần 1 triệu DN được thành lập, một nửa trong số này có hoạt động góp vốn vào các DN khác. “Luật không yêu cầu đây là ngành nghề kinh doanh” - bầu Kiên nói. Bị cáo tiếp tục viện dẫn Điều 13 Luật DN 2005 quy định các tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty TNHH, công ty hợp danh…

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trả lời các câu hỏi của HĐXX. Ảnh: TTXVN

HĐXX sau đó đã hỏi đại diện các bộ, ngành có mặt tại phiên tòa cùng một câu hỏi: Việc góp vốn kinh doanh, mua cổ phần, cổ phiếu của DN khác có phải đăng ký kinh doanh không? Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến việc có cấu thành hành vi vi phạm của bầu Kiên hay không. Kết quả là các cơ quan hoặc đẩy trách nhiệm trả lời sang cho cơ quan khác, hoặc xin “nợ” câu trả lời…

Đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết Sở chưa thể khẳng định việc đầu tư góp vốn kinh doanh vào DN khác có phải đăng ký kinh doanh hay không. Sở đã hỏi Bộ KH&ĐT về việc này. Bộ KH&ĐT hướng dẫn Sở hỏi Bộ Tài chính để được hướng dẫn cụ thể. Sau đó, Sở có văn bản hỏi Bộ Tài chính nhưng chưa có phản hồi. Tuy nhiên, phát biểu quan điểm cá nhân, vị này cho rằng việc góp vốn vào DN khác đã có quy định tại Luật DN, đây là hoạt động bình thường của DN.

Đại diện Sở KH&ĐT TP Hà Nội đề nghị tòa hỏi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính… Trong khi đó, đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước nói: “Để trả lời câu hỏi này phải là người có thẩm quyền...”. Đại diện Cục Quản lý kinh doanh (Bộ KH&ĐT) tiếp tục khẳng định thẩm quyền trả lời câu hỏi thuộc Bộ Tài chính.

Bầu Kiên sau đó đề nghị HĐXX triệu tập đại diện VCCI vì ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống DN Việt Nam. Bị cáo Kiên cũng đề nghị tòa mời bà Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế) với tư cách nhân chứng của vụ án. “Vấn đề này không chỉ liên quan đến tôi mà ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn DN đang kinh doanh trên đất nước Việt Nam. Các cơ quan mà tòa dự kiến hỏi đều không có đủ thẩm quyền trả lời câu hỏi này…” - bị cáo nói đến đây thì HĐXX cắt lời.

Không kinh doanh vàng trái phép?

Hôm qua, HĐXX cũng dành nhiều thời gian xét hỏi làm rõ hành vi kinh doanh vàng trái phép thông qua Công ty Thiên Nam của bầu Kiên. Theo cáo trạng, ngành nghề kinh doanh của Công ty Thiên Nam là sản xuất may mặc, thêu ren; kinh doanh xuất nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng; đại lý mua bán ký gửi hàng hóa; cửa hàng ăn uống dịch vụ, giải khát…

Tuy nhiên, tháng 11-2009, tổng giám đốc Công ty Thiên Nam là Lê Quang Trung (đã mất) đã ký văn bản thỏa thuận với VietinBank. Theo đó, Thiên Nam tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam (còn được gọi là kinh doanh vàng trạng thái hoặc kinh doanh giá vàng hoặc kinh doanh vàng ghi sổ, vàng tài khoản). Ngoài ra, Thiên Nam còn kinh doanh trạng thái vàng trong nước với Ngân hàng ACB.

“Việc kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam có giấy phép kinh doanh không?” - HĐXX hỏi. Bầu Kiên: “Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng, không kinh doanh vàng trạng thái. Thiên Nam đầu tư vào giá vàng. Đây là sản phẩm tài chính phái sinh. ACB đã định nghĩa rất rõ trong hợp đồng”. Tòa: “Việc đặt lệnh mua vàng của Thiên Nam có cần giấy phép kinh doanh không?”. Bầu Kiên: “Công ty Thiên Nam không đặt lệnh mua vàng. HĐXX cần có phiếu lệnh trước mặt bàn để xem nội dung các phiếu lệnh đó là gì. Trong các phiếu lệnh đó không có bất cứ nội dung nào về mua bán vàng. Tôi xác nhận số liệu chứ không thừa nhận đây là trạng thái mua bán vàng”.

Theo bầu Kiên, trước năm 2012, pháp luật không có quy định “đầu tư trạng thái giá vàng” là kinh doanh vàng. Đây không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

HĐXX dẫn nội dung Quyết định 03/2006 của Ngân hàng Nhà nước về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Quyết định này đã nêu các khái niệm “trạng thái vàng của tổ chức tín dụng” hay “trạng thái vàng của DN kinh doanh vàng”. Cũng theo quyết định này, các tổ chức tín dụng, DN kinh doanh vàng phải làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.

Đáp lại, bầu Kiên nói: “Tôi rất thuộc các nội dung của Quyết định 03. Nội dung HĐXX đọc là “trạng thái vàng” chứ không có quy định nào về “trạng thái giá vàng” và các sản phẩm tài chính phái sinh. Chỉ đến năm 2012 (Chính phủ ban hành Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng - PV) mới có khái niệm này” - bầu Kiên nói.

Khi được hỏi, nguyên Tổng Giám đốc ACB Lý Xuân Hải nói: Kinh doanh giá vàng là hoạt động phái sinh từ hoạt động kinh doanh vàng, không thực hiện việc chuyển giao vàng vật chất...

Tòa hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước nhưng vị này vắng mặt.

Cũng trong hôm qua, tòa tập trung làm rõ hành vi lừa đảo của các bị cáo trong việc ACBI bán 20 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát (đã thế chấp, chưa được giải chấp) cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát để lấy 264 tỉ đồng. Hôm nay, tòa tiếp tục phần xét hỏi.

ĐỨC MINH

 

“Phong thái” bầu Kiên trước tòa

Ngoài việc dẫn luật chính xác, trước tòa bầu Kiên luôn chắp tay sau lưng khi trả lời HĐXX. Trả lời nhiều câu hỏi của tòa, bầu Kiên thường chỉ gật đầu và nói ngắn gọn: “Chính xác”. Bầu Kiên cũng cho rằng mình đã luôn khai nhất quán từ trước đến nay, “các bản cung tôi đã khai chi tiết, chính xác, đề nghị HĐXX trích lại các bản cung” - bầu Kiên nói.

Bị cáo cũng “chỉnh” lại nhiều câu từ trong cáo trạng và cho rằng việc dùng nhiều từ không chính xác. “Cáo trạng nêu Nguyễn Đức Kiên đặt lệnh mua/bán… nhưng việc đặt lệnh thuộc thẩm quyền của pháp nhân. Cách dùng từ đúng phải là “Công ty Thiên Nam đặt lệnh…”.

Liên quan đến việc kinh doanh vàng trái phép, trả lời tòa, bầu Kiên nói: “Tôi là đàn ông, tôi không trốn tránh trách nhiệm trong bất kỳ trường hợp nào. Tôi không đổ trách nhiệm cho người đã mất. Tôi sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với anh Trung (cả trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự) nếu HĐXX quy trách nhiệm cho anh Trung”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm