BẤT CẬP TRONG CHẾ ĐỘ TẠM GIỮ, TẠM GIAM:

Bị can khổ hơn bị án

Ba vụ đại bàng đánh chết người trong nhà tạm giam ở TP.HCM chỉ là phần nổi của nhiều bất cập tồn tại trong công tác tạm giam, tạm giữ. Trong đó có những nguyên nhân từ cơ chế, chính sách đã lạc hậu.

Quá tải vì tăng thẩm quyền tố tụng

Ông Bùi Đức Long, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù (VKSND Tối cao), cho biết tổ chức, hoạt động tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam cơ bản vẫn theo Nghị định 89 ban hành từ năm 1998 và có sửa đổi một chút vào năm 2002. Lúc ấy, cơ quan điều tra các cấp vẫn hoạt động theo luật tố tụng cũ. Tuy nhiên, từ năm 2004, khi tăng thẩm quyền cho tòa án cấp huyện thì số lượng vụ án hình sự mà cơ quan điều tra cấp huyện thụ lý tăng mạnh. Việc này gây quá tải cho các nhà tạm giữ của công an quận, huyện.

Người bị tạm giam, tạm giữ nhiều mà quản giáo lại mỏng nên nhiều nơi đã sáng tạo biện pháp quản lý buồng giam bằng cách lựa chọn, cắt cử một vài bị can có “uy tín” đứng ra tổ chức sinh hoạt trong buồng giam. “Cách làm này không được quy định trong luật cho nên nơi làm tốt, không để sơ sẩy gì thì không sao. Còn nơi nào xảy ra lộn xộn, chết người thì giám thị, quản giáo lãnh đủ” - ông Long cho biết.

Bị can khổ hơn bị án ảnh 1

Phạm nhân chấp hành án phạt tù tại Trại giam Z.30D chơi thể thao sau giờ lao động cải tạo. Điều này, các bị can bị tạm giam chưa bao giờ có được. Ảnh: ĐỨC HIỂN

Tình trạng quá tải cũng dẫn tới những vi phạm trong thực hiện quy chế giam, giữ. Nghị định 89 quy định người bị tạm giam, giữ phải được phân loại: phụ nữ, người chưa thành niên, người có bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm, loại côn đồ hung hãn... và không được giam, giữ chung buồng những người trong cùng một vụ án. Song kiểm tra của VKS các cấp cho thấy một số nơi không thể tuân thủ vì cơ sở vật chất không đủ đáp ứng. Tạm giam nhằm cách ly bị can để giữ bí mật điều tra, song có những trụ sở công an cấp huyện, buồng tạm giữ ngay sát khu dân cư, dân đi ngoài nói to trong cũng nghe thấy. Công an quận 9 và quận Bình Thạnh (TP.HCM) thì giam chung bị can vị thành niên với can phạm lớn tuổi khác. Hậu quả là nạn nhân trong cả hai vụ án đại bàng đánh chết người ở nhà tạm giữ hai đơn vị này đều là vị thành niên. Họ bị các đàn anh côn đồ, hung hãn đánh chết khi chưa bị tòa xét xử.

Bất cập vì quy định lạc hậu

Tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn nhằm phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử. Về nguyên tắc, người bị tạm giữ, tạm giam mới chỉ là người bị tình nghi phạm tội. Trong thực tế, theo báo cáo của các cơ quan tố tụng trung ương, hằng năm vẫn có gần 7% số này rốt cuộc chỉ bị xử lý hành chính. Cũng vì vậy, Bộ luật TTHS yêu cầu chế độ tạm giữ, tạm giam phải khác với chế độ chấp hành hình phạt tù.

Tuy nhiên, trong thực tế các tiêu chuẩn, định mức sinh hoạt áp dụng cho hai đối tượng này không có nhiều khác biệt. Thậm chí theo bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chế độ ăn, mặc cho tù nhân hiện còn cao hơn những người bị giam do tình nghi phạm tội.

Cụ thể, Nghị định 89 chỉ cho phép định mức ăn mỗi tháng của người bị tạm giữ, tạm giam gồm 15 kg gạo, 3 kg thịt, 5 kg cá, 0,8 kg muối, 0,5 lít nước chấm, 0,2 kg xà phòng giặt. Còn chế độ trại giam, sau đợt điều chỉnh theo chủ trương cải cách tư pháp đã được Nghị định 113 ban hành năm 2008 nâng lên khá cao: 17 kg gạo, 0,7 kg thịt, 0,8 kg cá, 0,75 lít nước mắm, 0,1 kg bột ngọt, 0,3 kg xà phòng. Người mới bị tình nghi phạm tội phải biệt giam, phạm nhân ở tù còn được học tập, lao động, cải tạo, sinh hoạt ngoài trời và mỗi tháng còn được 0,5 kg đường do ngân sách chi trả.

Đáng chú ý, Nghị định 113 ban hành quy chế trại giam chỉ quy định chung là phạm nhân vi phạm nội quy có thể bị giam ở buồng kỷ luật trong khi quy chế tạm giữ, tạm giam ghi thẳng biện pháp “phạt cùm chân” kéo dài 10 ngày cho người bị tạm giam có hành vi vi phạm nội quy. Phát biểu trước Quốc hội, bà Nga cho rằng quy định như vậy là quá nghiêm khắc và không phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp.

Những bất cập nói trên mới đây đã được Bộ Công an chỉ ra trong đợt tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 89 của Chính phủ. Hiện đang có dự kiến xây dựng một pháp lệnh mới thay cho nghị định này. Tuy nhiên, theo bà Nga, trước mắt Chính phủ cần sửa đổi ngay nghị định hiện hành theo hướng chế độ người bị tạm giữ, tạm giam phải tốt hơn chế độ của người chấp hành hình phạt tù. Đồng thời, Quốc hội cần lên chương trình xây dựng luật riêng về tạm giữ, tạm giam và sớm sửa Bộ luật TTHS để quy định chặt chẽ hơn các căn cứ được bắt, giữ người, qua đó hạn chế tới mức thấp nhất việc bắt tạm giữ, tạm giam. Đây cũng là một biện pháp góp phần giảm tải cho các nhà giam, giữ hiện nay.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm