Bị mù, có cần người đại diện khi ly hôn?

Trong thực tiễn xét xử, ngành tòa án đã gặp không ít trường hợp đương sự xin ly hôn là người có nhược điểm về thể chất như bị mù, bị tàn tật… Một vấn đề đã được đặt ra: Tòa có cần chỉ định người đại diện theo pháp luật cho họ hay không?

Đầu năm 2011, anh LVK đã nộp đơn đến TAND một quận tại TP.HCM xin ly hôn với vợ sau 20 năm chung sống, có với nhau hai mặt con chung. Do bị mù bẩm sinh nên anh K. nhờ người khác viết đơn xin ly hôn, sau đó anh điểm chỉ xác nhận vào đơn.

Có cần người đại diện?

Nhận được lá đơn của anh K., trong nội bộ TAND quận đã phát sinh hai luồng quan điểm khác nhau về hướng giải quyết.

Quan điểm thứ nhất cho rằng tòa cứ việc thụ lý, giải quyết vụ ly hôn này theo thủ tục thông thường bởi anh K. bị mù nhưng nhận thức vẫn tỉnh táo, bình thường, tức anh có nhược điểm về thể chất chứ không phải là bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Quan điểm thứ hai lại bảo tòa phải chỉ định người đại diện theo pháp luật cho anh K. để tham gia tố tụng bởi anh bị mù thì không thể làm những việc thông thường như viết đơn, đọc các văn bản tố tụng. Ngay cả một chuyện đơn giản là nếu để tự đi đến tòa, tìm phòng làm việc của thẩm phán, anh K. cũng đã gặp khó khăn rồi. Việc cử người đại diện là cần thiết vì chính quyền lợi của anh K…

Bị mù, có cần người đại diện khi ly hôn? ảnh 1

Luật không bắt buộc

Theo luật sư Phạm Tất Thắng (Đoàn Luật sư TP.HCM), theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Dân sự thì chỉ có người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản gia đình mới bị xem là bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Như vậy, người có nhược điểm về thể chất như bị mù, bị câm, bị liệt, bị tàn tật… không thể coi là bị hạn chế năng lực hành vi theo luật. Do đó, tòa cũng không có quyền chỉ định người đại diện bắt buộc cho họ. Chưa kể, ly hôn là quyền nhân thân được quy định tại Điều 42 Bộ luật Dân sự. Về nguyên tắc, việc này phải do chính đương sự thực hiện, không thể chuyển giao cho người khác.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM cũng khẳng định hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định tòa phải cử người đại diện cho người có nhược điểm về thể chất. Người có nhược điểm về thể chất vẫn nhận thức được hành động, vẫn thể hiện rõ được ý chí của mình trong chuyện ly hôn. Như vậy, gặp các trường hợp này, tòa vẫn có thể tiến hành các thủ tục tố tụng bình thường.

Tuy nhiên, để việc giải quyết án được thuận lợi, tòa nên chủ động tìm phiên dịch viên trong trường hợp đương sự bị câm điếc; hướng dẫn người bị mù, bị liệt tìm người giúp đỡ mình viết đơn, đọc các văn bản tố tụng… Thực tế, một khi đương sự đã tham gia tố tụng thì cũng có ý thức chủ động tìm người giúp mình, chẳng hạn như trường hợp của anh K. nói trên.

Tâm thần, có cần tuyên bố mất năng lực?

Mới đây, chị NTV đã nộp đơn ra TAND TP.HCM xin ly hôn với người chồng đang mắc bệnh tâm thần. Chị trình bày hai vợ chồng kết hôn từ năm 2005. Ba năm sau, trong một vụ tai nạn giao thông, chồng chị bị thương nặng ở đầu, từ đó mất ý thức, phải nhập viện điều trị tâm thần dài hạn...

Thụ lý, TAND TP.HCM đã yêu cầu chị V. phải tiến hành làm thủ tục tuyên bố chồng chị mất năng lực hành vi dân sự. Sau khi tòa án có thẩm quyền tuyên bố chồng chị mất năng lực hành vi dân sự thì TAND TP sẽ giải quyết vụ ly hôn của chị. Lúc đó, chồng chị sẽ có người đại diện theo pháp luật (người giám hộ) tham gia tố tụng.

Về cách giải quyết này, trong nội bộ tòa đã có những ý kiến khác. Theo họ, không cần thiết phải tốn công sức, tốn thời gian làm thủ tục tuyên bố chồng chị V. mất năng lực hành vi dân sự. Vì thực tế chồng chị V. có bệnh tâm thần đang phải điều trị ở bệnh viện chứ không phải thuộc diện “nghi ngờ bị tâm thần”. Do đó, tòa chỉ cần cử người đại diện cho chồng chị V. tham gia tố tụng là được.

Giải quyết bình thường

Bộ luật Dân sự chỉ sử dụng khái niệm người bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chứ không sử dụng khái niệm người có nhược điểm về thể chất. Luật quy định rất rõ mất năng lực hành vi dân sự là khi một người do bị tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; còn bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản gia đình. Luật cũng chỉ quy định tòa án phải cử người đại diện theo pháp luật cho người bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chứ không hề đề cập đến trường hợp có nhược điểm về thể chất.

Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Công ty Luật TNHH Anphana

Không thể tước quyền chủ động

Một người có nhược điểm về thể chất nhưng vẫn lấy vợ lấy chồng, vẫn sinh hoạt bình thường thì chứng tỏ họ đã tự mình tìm cách thích ứng được với cuộc sống, tại sao tòa lại tước quyền chủ động của họ trong chuyện ly hôn bằng cách chỉ định người khác thay họ tham gia tố tụng? Tôi đã gặp không ít người bị tàn tật vẫn vươn lên, thành đạt trong xã hội. Tòa đòi “bao cấp” cho họ trong tố tụng, vậy có thể “bao cấp” cho họ trong cuộc sống hay không?

Một luật gia Hội Luật gia TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm