Bí thư Thanh Hóa: Tình trạng phát canh thu tô vẫn tồn tại

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế yếu kém trong việc quản lý đất đai tại các công ty lâm nghiệp, quản lý rừng phòng hộ trong phiên chất vấn diễn ra vào sáng nay (10-7), tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Thanh Hóa.

Người hàng chục ha, người không đất sản xuất

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, về nông trường trước năm 2004, toàn tỉnh có 12 nông trường, quản lý hơn 22.591 ha đất. Sau nhiều năm thực hiện chuyển đổi sắp xếp, đến nay hình thành 8 công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên.

Về lâm trường, trước năm 2004, Thanh Hóa có 15 lâm trường, quản lý gần 97.000 ha đất rừng. Đến nay, các lâm trường đều đã chuyển thành ban quản lý rừng phòng hộ ở các huyện.

Tuy nhiên, theo ông Quyền, trong quá trình quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường, các ban quản lý rừng phòng hộ đã để xảy ra tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả, tranh chấp, xâm canh và để người dân xây dựng trái phép trong đất nông, lâm trường ở địa bàn nhiều huyện trên địa bàn tỉnh. 

Đại biểu chất vấn Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa ông Nguyễn Đức Quyền về vấn đề quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Đ. TRUNG

Thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho thấy hiện có 20.914 hộ dân đang thiếu hơn 39.000 ha đất sản xuất, khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, UBND tỉnh Thanh Hóa chưa giải quyết được bất cứ trường hợp nào trong số những hộ dân này.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa đặt câu hỏi: “Khi được giao đất thực hiện sản xuất không hiệu quả, hoặc không có phương án kinh doanh thì có thu hồi được không? Hoặc có những cán bộ về xuôi rồi nhưng vẫn có đất ở nông lâm trường thì có thu hồi được không, có cách gì xử lý giải quyết được không? 

Ông Nguyễn Đức Quyền trả lời: “Luật đất đai đã quy định rõ, đối với vùng nông thôn trong trường hợp người sử dụng đất nông nghiệp trong trường hợp không sản xuất hai vụ là có quyền thu. Tuy nhiên, có nhiều người sử dụng đất nông nghiệp lại chỉ làm một vụ chỉ nhằm đề giữ đất chờ giải phóng mặt bằng.

Đây là nguyên nhân chính trong việc không giải quyết được đất cho những người có nhu cầu sản xuất. Có những hộ về hưu vẫn giữ hàng chục ha, trong khi có những gia đình ba bốn người thì không được giao đất để sản xuất. Có rất nhiều phản ánh từ cử tri của các huyện, dân thiếu đất sản xuất và thiếu đất ở. Nhưng vấn đề đặt ra là, đất thiếu ở đâu, giải quyết như thế nào, có nhiều hộ ra đình thế hệ thứ hai, thứ ba thiếu đất sản xuất ở những huyện miền núi.

Ông Nguyễn Đức Quyền Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa trả lời các đại biểu tại phiên chất vấn sáng (10-7). Ảnh: Đ. TRUNG

Đối với cấp chính quyền huyện thì trách giải quyết phải thuộc chính quyền huyện địa phương thì phải thống kê làm rõ rồi báo cáo, không thể cái gì cũng cứ đổ ngược lên tỉnh. Đất ở nông lâm trường thì trước hết đó là trách nhiệm của địa phương, nếu phát hiện có sai phạm thì phải xử lý, trong trường hợp cần thì phải cưỡng chế đối với những hộ xây nhà trên đất sản xuất", ông Nguyễn Đức Quyền khẳng định.

Ông Chủ tịch UBND huyện không làm thì phải xử lý

Tại phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến khẳng định: “Trách nhiệm, vai trò về quản lý, sử dụng đất hiệu quả là của chính quyền địa phương, nhưng nếu ông Chủ tịch UBND huyện không làm được thì phải xử lý. Trong trường hợp nếu để xảy ra mua bán, lấn chiếm, trái phép nếu phát hiện nhưng không báo cáo thì cũng phải xử lý. Ở đây trách nhiệm không thể quy chung chung mà phải cụ thể đến từng đơn vị cấp cơ sở”.

Ông Chiến cũng chỉ ra nhiều hạn chế yếu kém trong việc sử dụng, quản lý đất đai gây bức xúc nhân dân trong tỉnh. Diện tích được giao đất một số đơn vị là quá nhiều, trong khi đó năng lực tài chính yếu, từ đó đẻ ra việc cho thuê lại. Tình trạng các đơn vị ngồi một chỗ thu tài chính trên đất mà gọi nôm na là “phát canh thu tô”. Đến nay, có chăng chỉ là một số đơn vị phối hợp với các tập đoàn mà thôi, còn lại đẻ ra tình trạng mua bán, thuê lại thì rất phức tạp mà đây là hạn chế yếu kém nhất.

Từ việc quản lý không tốt dẫn đến xâm canh, lấn chiếm đất đai trái phép khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Có nhiều vụ tranh chấp đất đai đã kéo dài nhiều năm như ở Thạch Thành, Yên Mỹ, Bá Thước..., thậm chí cả TX Bỉm Sơn, Như Xuân, Hà Trung chỗ nào cũng có. Tình trạng xây dựng nhà ở trái phép trên đất thuê diễn ra ở nhiều nơi, hầu như chúng ta không có quản lý, không có chỉ đạo về vấn đề này. 

Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị kiểm điểm xử lý chủ tịch UBND các huyện nếu để xảy ra yếu kém trong quản lý đất đai. Ảnh: Đ. TRUNG

Cũng theo ông Chiến, các chủ nông lâm trường thuê lại hoặc các chủ sau đó qua tay đến đời thứ năm, nhưng thuê lại như thế nào vẫn không được cấp cơ sở báo cáo giám sát chặt chẽ. Lâm trường có giao cho các xã, huyện quản lý nhưng có biết dân làm nhà không? Điều đó chẳng lẽ không biết, trách nhiệm quản lý ở đâu.

Nhiều hộ gia đình có nhu cầu đất ở, đất sản xuất nhưng không được giao đất, từ đây dẫn đến hậu quả nhiều hộ gia đình miền núi rất khó khăn về đời sống, trong khi chúng ta cứ đặt vấn đề giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều. Quản lý đất đai từ tỉnh đến cơ sở, quản lý không tốt khi tình trạng dựng ra quy hoạch, vẽ ra dự án để quy hoạch bán đất trên đất thuê, không chặt chẽ, hiệu quả không rõ ràng mà nguyên nhân chủ quan chính là trách nhiệm trực tiếp là Chủ tịch UBND các cấp.

Ông Chiến đề nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cấp, trong đó đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh kiểm điểm các đơn vị như TNMT, Ban Dân tộc, Nông nghiệp và Sở LĐTB-XH... Đặc biệt, chỉ đạo kiểm điểm Chủ tịch UBND các huyện sau những hạn chế yếu kém đã được làm rõ và kể cả các đồng chí khóa trước vẫn phải bị xử lý nếu có những sai phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm