Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai: 'Không bỏ sót, không để ai bị đói'

Ngày 25-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố thực hiện thiết lập đường dây nóng xử lý thông tin nhằm hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Thiết lập đường dây nóng an sinh xã hội

Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố tổ chức thiết lập đường dây nóng để phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tiếp nhận và xử lý thông tin nhằm hỗ trợ người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong quá trình giãn cách xã hội để thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Số điện thoại đường dây nóng từ cấp huyện đến cấp xã phải được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đối với đường dây nóng của cấp xã phải được thông báo đến khu dân cư được Nhân dân biết, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tiếp nhận, phân loại thông tin để xử lý tại chỗ hoặc chuyển thông tin về tổ chức cấp trên trực tiếp để được tăng cường hỗ trợ kịp thời. 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh,Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh khẳng định: "Nếu để một hộ dân nào đói thì Bí thư phải chịu trách nhiệm". Ảnh: VH

Ông Cao Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai đề nghị các địa phương sau khi tiếp nhận nguồn vận động, hỗ trợ từ tỉnh và các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng, chống dịch, cần có chỉ đạo sát sao để việc phân phối nguồn hỗ trợ hợp lý, không để người dân nào thiếu ăn trong lúc này.

Tại Hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương về công tác phòng, chống dịch của tỉnh ngày 23-8, Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh, cho rằng việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội lúc này là điều kiện rất quan trọng để người dân đồng lòng, yên tâm vào công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Đảng, Nhà nước và ngành chức năng. Do đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. 

“Địa phương nào làm không tốt chính sách an ninh xã hội sẽ khó tránh khỏi phức tạp về tình hình an ninh trật tư. Các địa phương cũng cần tăng cường nắm tình hình nhân dân, nhất là người yếu thế để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, xử lý nhanh các thông tin xấu, độc, không để gây hoang mang trong xã hội” - Thiếu tướng Vũ Hồng Văn nói thêm.  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Hiện Sở LĐTB-XH tỉnh đã thực hiện rà soát, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho gần 61.000 người, với số tiền hơn 91 tỉ đồng. 

Không bỏ sót, không ai bị đói 

Về chăm lo đời sống cho người lao động, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị phải thực hiện đầy đủ chính sách an sinh xã hội tới từng hộ chính sách. Các nguồn lực do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận được cần chuyển ngay về cấp xã để làm nguồn dự phòng khi cần thiết.

Ngành LĐTB-XH và MTTQ cần nghiên cứu để có thêm nguồn hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và công nhân lao động để người dân có được nguồn dinh dưỡng tối thiểu.

“Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tuyệt đối không để dân đói. Các Bí thư cấp ủy phải lấy sinh mệnh chính trị của mình để đảm bảo việc này. Nếu để một hộ dân nào đói thì Bí thư phải chịu trách nhiệm. Mỗi xã, phường phải có kho lương thực và phải có nguồn quỹ để hỗ trợ ngay những hộ dân đang gặp khó khăn" - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh.

Đoàn viên của Thành đoàn Biên Hòa lương thực, thực phẩm cho người dân trong vùng bị phong tỏa ở TP Biên Hòa. Ảnh: XV

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thành lập tổ công tác đưa những người lang thang trở về nhà, hoặc các cơ sở bảo trợ, không để ảnh hưởng đến xã hội, vì nếu họ là F0 thì rất nguy hiểm cho cộng đồng.

"Phải xem họ là nạn nhân để hết lòng, hết sức giúp đỡ. Mỗi huyện, thành phố cũng cần có từ 10 số điện thoại trở lên để tiếp nhận thông tin, kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn" - ông Lĩnh nhấn mạnh và cho rằng chính quyền phải ứng xử vừa nhân văn, vừa xử lý quyết liệt để công tác phòng, chống dịch đạt kết quả tốt.

"Mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần lan tỏa tinh thần nhân văn, có trách nhiệm thông tin, kết nối, khi thấy các trường hợp cần giúp đỡ thì báo ngay đến cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời" - Bí thư Tỉnh ủy Đồng nai nói thêm. 

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các huyện, thành phố cần chỉ đạo các xã, phường phải có kho lương thực để khi tiếp nhận gạo về đảm bảo không ẩm mốc, không bị giảm chất lượng. Khi gạo về đến xã, đưa ngay đến từng nhà dân, chú ý đến các khu nhà trọ, công nhân lao động nghèo để không bỏ sót một ai bị đói.

Cán bộ cơ sở cần đi từng ngõ, gõ từng nhà để xem hộ nào có khó khăn mà chưa được giúp đỡ thì bổ sung, đưa vào danh sách giúp đỡ ngay.

Ngoài ra, các xã, phường hình thành ngay các tổ công tác để giúp dân; các tổ này do bí thư, chủ tịch điều phối để khi nhận thông tin hộ nào khó khăn là xác minh ngay để hỗ trợ, không chậm trễ. Khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình giúp dân và các chính sách an sinh phải được thực hiện đúng đối tượng.

UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản hỏa tốc về việc quyết định phân bổ 1.600 tấn gạo do Tổng Cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp cho tỉnh Đồng Nai từ nguồn dự trữ quốc gia cho tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ cho những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động mất việc làm. Lượng cấp phát là 7,5 kg/người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm